Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đang thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Hội nghị Trung ương 6, khóa XI đang diễn ra cũng sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo. Liên quan đến vấn đề này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đã đóng góp những ý kiến tâm huyết.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Xây dựng đội ngũ giáo viên là giải pháp cốt lõi
|
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình |
Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, việc sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là giải pháp cốt lõi để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Cụ thể, cần đổi mới công tác công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo hướng đại học hóa giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng tuyển sinh của ngành sư phạm. Từ năm 2013-2014 chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông ở trình độ trung cấp và cao đẳng; thiết lập cơ chế bảo đảm cân bằng giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên phổ thông, đồng thời tính toán để việc đào tạo chẳng những đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà cả về cơ cấu loại hình giáo viên do chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 đặt ra.
Sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống chung chiến lược phát triển. Xây dựng cơ chế tạo ra quan hệ gắn bó giữa hệ thống các trường sư phạm với hệ thống giáo dục phổ thông trên cả 3 mặt: cộng tác xác định mục tiêu đào tạo (về chất lượng, số lượng, cơ cấu môn học); cộng tác thực hiện quá trình đào tạo và bồi dưỡng, cộng tác trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và có chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có năng lực cho các đại học sư phạm.
Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản với đào tạo bổ sung, thường xuyên theo chu kỳ, trọng tâm là phát triển liên tục khả năng đáp ứng của giáo viên trước yêu cầu chuyên nghiệp hóa… Chương trình đào tạo căn bản cho sinh viên sư phạm và chương trình đào tạo bổ sung/thường xuyên theo chu kỳ cho giáo viên phổ thông đều cần tập trung phát triển ở người học phẩm chất nhà giáo, kiến thức tổng quát, chuyên môn và sư phạm, năng lực giảng dạy và giáo dục cùng các năng lực mới mà nhà giáo chuyên nghiệp phải có. Trong chương trình đào tạo căn bản ưu tiên gia tăng về thời lượng và điều kiện bảo đảm cho các hoạt động kiến tập, thực tập giáo dục tại nhà trường phổ thông.
Sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội cũng như tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập, tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa. Chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên cũng phải thể hiện sự ưu đãi so với các công chức, viên chức tương đương về trình độ đào tạo. Cần bổ sung các chế độ về phúc lợi đối với nhà giáo và cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.
Xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp nêu trên, đặc biệt xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và những người tham gia quản lý nhà trường; xác định các quy định về quyền và trách nhiệm của nhà giáo trong việc tổ chức quá trình dạy học, lựa chọn sách giáo khoa/tài liệu giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy; quy định về việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, tổ chức đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng nhà giáo và hệ thống các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức và cá nhân quản lý/sử dụng lao động cuả nhà giáo trong việc cải thiện điều kiện hành nghề dạy học, bảo đảm an ninh nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và địa vị xã hội của nhà giáo; quy định về tổ chức độc lập thực hiện chức năng đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề dạy học
|
GS.NGND. Phạm Minh Hạc |
GS.NGND. Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất xây dựng nền giáo dục nhân văn, thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển, phát huy giá trị bản thân ở người học,nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển con người. Theo GS.NGND. Phạm Minh Hạc, mục tiêu số một của giáo dục phổ thông là dạy và học được một số tri thức phổ thông để thành người và cơ sở ban đầu để làm người, chuẩn bị vào học nghề. Tư tưởng cốt lõi của triết lý giáo dục nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình, nhà nước và xã hội trọng dụng con người, nhất là người tài; nền giáo dục công nghệ là đào tạo người học có lương tâm nghề và tay nghề thành thạo. Cụ thể, cần củng cố và tăng cường xây dựng trường phổ thông dạy tri thức phổ thông, lao động, hướng nghiệp, làm quen với nghề: thực học để thành người lao động có tay nghề, có năng lực sống thực – có giá trị và kỹ năng sống, lao động thực.
GS.NGND. Phạm Minh Hạc đề xuất: Từ nay đến 2015-2020, mọi miền đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp học đều học 2 buổi/ngày; mau chóng có sách giáo khoa mới cho phổ thông, theo đó, các sách khoa học tự nhiên như ở các nước tiên tiến, sách khoa học xã hội đảm bảo tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực với phần thực hành tương thích, dạy và học giá trị sống, kỹ năng sống; chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nhà giáo có phẩm chất và tay nghề.
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường: Cần thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân
Theo GS.TSKH Nguyễn Minh Đường, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được coi là một trong những yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi nước. Bộ máy quản lý giáo dục là đầu não của giáo dục, đề xuất các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý và chỉ đạo việc thực hiện mọi hoạt động giáo dục của mỗi quốc gia, sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của giáo dục, cũng là yếu tố căn bản về giáo dục của mỗi nước.
|
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường |
Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương về GD&ĐT là Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ở cấp địa phương cũng có hai cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương tương ứng là sở GD&ĐT và sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Việc quản lý hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta vừa chồng chéo, vừa bị chia cắt, phân tán nên quản lý kém hiệu lực và vậy khó lòng thực hiện được các chính sách quốc gia thống nhất.
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường cho rằng, việc hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và đổi mới bộ máy quản lý hệ thống giáo dục quốc dân nước ta là vấn đề bức thiết và căn bản nhất để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà. Theo đó, kiến nghị thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện triệt để phân cấp quản lý trong hệ thống.
PGS.TS.Đặng Quốc Bảo: Quán triệt sâu rộng hơn luận điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”
Nối tiếp những thành quả đã đạt được trong các thập niên vừa qua, lần này, Đảng xác định cuộc đổi mới theo hai cụm từ “căn bản” và “toàn diện”. Có thể coi về bản chất là thực hiện một cuộc cải cách giáo dục mới trên các lĩnh vực quan điểm, chương trình sách giáo khoa, thể chế, cách dạy, cách học và cách quản lý...
Để cuộc đổi mới lần này tiếp tục gặt hái được thành công mới, theo PGS.TS.Đặng Quốc Bảo, trước hết, luận điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” sẽ được quán triệt sâu rộng hơn, không chỉ là ngành giáo dục mà cho mọi cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội. Hai là, vị thế và đời sống của người thầy trong xã hội phải thực sự được nâng cao trong lần đổi mới này. PGS.TS.Đặng Quốc Bảo mong rằng, giải pháp đột phá của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện lần này sẽ lấy khâu “giáo viên”, khâu “cải cách sư phạm” là khâu ưu tiên...
“Giáo dục nói chung, quản lý giáo dục nói riêng không phải là lĩnh vực dễ dàng, đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta hiện nay khi giáo dục đang phải chịu giao thoa của 3 làn sóng: kinh tế thị trường, cơ chế kinh tế XHCN, xu thế kinh tế tri thức. Tuy vậy, chúng ta vẫn có niềm tin khi 5 lực lượng: Nhà chính trị, nhà quản lý giáo dục vĩ mô, hiệu trưởng và các giáo viên, gia đình học sinh và nhân dân cộng đồng, người học của các bậc học biết “đồng sàng, đồng mộng”, hội tụ “tư duy – hành động” thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Phải làm cho dân tộc Việt Nam thành dân tộc thông thái” thì cuộc đổi mới lần này chắc chắn thành công” - PGS.TS.Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Hiếu Nguyễn (ghi