Nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là vấn đề khiến thầy cô ngày đêm trăn trở nhằm giúp học sinh yêu thích môn học.
Sử dụng giáo án điện tử
Giáo án điện tử là phương tiện hỗ trợ cho giáo viên (GV), giúp bài giảng sinh động hơn, học sinh (HS) hứng thú học tập và dễ dàng tiếp thu bài. Vì vậy, để giúp HS khắc sâu kiến thức, kích thích nguồn cảm hứng học tập, khi giảng dạy GV cần phải kết hợp hài hòa giữa màn hình với lời giảng và giữa màn hình với ghi bảng sao cho linh hoạt uyển chuyển.
Bên cạnh đó, GV phải thật sự có ý thức học hỏi, khai thác và sử dụng có chọn lọc những tư liệu quý trên internet. Đừng quá tham lam tư liệu, có bao nhiêu cũng đưa vào bài giảng, làm cho bài giảng dễ bị loãng.
Tích cực dự giờ
Dự giờ sẽ giúp GV chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Khi đồng nghiệp đến dự giờ, GV sẽ chuẩn bị bài kỹ hơn, sẵn sàng trao đổi về bài dạy trước khi lên lớp. Đây là việc làm hết sức thiết thực và cần thiết. Những lớp học có GV đến dự giờ cũng sẽ sôi nổi, ý thức học tập của HS được nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy được sự sáng tạo trong quá trình giảng dạy và cũng là một biện pháp quan trọng giúp GV luôn chuẩn bị đầy đủ kiến thức và hồ sơ, sổ sách trước khi đến lớp, tránh được tình trạng dạy chay, thiếu sự chuẩn bị.
HS vào vai Bác Hồ (trái) và thương nhân người Pháp trong một buổi học về lịch sử tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: M.Luân
|
Tạo kịch tính trong giờ học
Thay vì giảng dạy theo tuần tự bình thường, nhiều GV biến tiết học thành một vở kịch với những hình ảnh, tình huống sống động, khiến HS quên cả giờ ra chơi.
GV Phạm Thị Hào, chủ nhiệm lớp 5/2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi Q.4, TP.HCM đã biết lồng ghép vở kịch ngắn, âm nhạc, thơ ca… vào bài giảng lịch sử.
Mở đầu tiết học, cô cho cả lớp hát một bài để tạo cho HS tinh thần thoải mái, dễ chịu trước khi bước vào bài học. Vào đầu tiết, cô vẫn áp dụng những phương pháp truyền thống, đặt những câu hỏi nhằm giúp HS ôn bài cũ, qua đó giới thiệu bài học mới Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước (môn lịch sử - địa lý lớp 5).
Sau đó cô không đọc hoặc giảng cho HS nghe như thường thấy mà chia lớp làm 6 nhóm. Mỗi nhóm được yêu cầu tìm hiểu một thông tin lịch sử về Bác Hồ trong bài. Không khí lớp học náo nhiệt hơn khi cô Hào mời mọi người xem vở kịch ngắn 5 phút mà trong đó các “diễn viên” đều là HS của lớp. Các HS hóa thân thành những nhân vật: Bác Hồ, anh Tư Lê (một người bạn của Bác), thương nhân người Pháp… một cách rất tự nhiên và dễ thương. Song song đó, màn hình chiếu xuất hiện những hình ảnh quê Bác ở Nghệ An. Phía dưới, cô Hào đọc trên nền nhạc bài thơ Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên). HS vừa xúc động vừa cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước lớn lao của Bác.
Kết thúc vở kịch, cô Hào cho HS chơi trò ô chữ để ôn lại bài học.
Trao đổi với Thanh Niên, cô Hào cho biết: “Chuyện thực hiện vở kịch như thế này không khó và tốn rất ít thời gian. Quan trọng nhất là việc tìm tư liệu lịch sử một cách chính xác và chắt lọc thông tin đưa vào kịch”.
Ngô Mã Thiên - Minh Luân