• 17/10/2012 08:20 PM

    Thầy trò "đổi gió" để tiết học thiết thực hơn

     

    Có tiết học cô trò cùng đi nhặt ve chai làm từ thiện, ngồi trên sông lấy cảm hứng làm văn, hay lớp học sôi động khi trò đứng lớp…

    Đó là những tiết học thầy, trò cùng “đổi gió” để lớp học lý thú, sinh động hơn.

    Học sinh dẫn dắt lớp học

    Ở Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM), học sinh lớp 6 lại hào hứng với tiết học không có thầy, cô giáo đứng lớp. Đó là một tiết học chuyên đề môn vật lý của thầy Phạm Thành Trung, giáo viên nhà trường.

    Tiết học này đã đạt giải ba về tổ chức dạy học tích cực môn vật lý THCS toàn quốc. Được xem lại hình ảnh lớp học, ai cũng ngạc nhiên vì những học sinh lớp 6 tự dẫn dắt, đứng lớp và hướng dẫn cùng nhau làm bài tập.

    Mở đầu tiết học là màn hoạt cảnh do chính các em thực hiện, đóng vai hỏi đáp lẫn nhau. Qua những câu hỏi đáp, học sinh còn lại hiểu thêm về kiến thức chỉ số đo của con người. Sau màn hoạt cảnh là học sinh phân công dẫn dắt trò chơi, hỏi đáp, tổ chức ôn tập đo chỉ số khối cơ thể cho nhau, rút ra kết quả…

     
    Tiết học do học sinh đứng lớp - Ảnh chụp từ clip do thầy Trung quay lại

    Bùi Phương Uyên, học sinh tham gia tiết học này với vai trò dẫn dắt lớp học, chia sẻ: “Vốn rất thích làm giáo viên nên khi được dẫn dắt lớp học em rất thích. Khi mới bước lên bục giảng em thấy hơi run run nhưng mấy phút sau lại quen”.

    Qua tiết học này, Uyên cho biết em học được nhiều kiến thức không có trong sách giáo khoa và biết áp dụng những gì được học vào thực tế.

    “Cũng nhờ tiết học này, em hiểu được làm giáo viên phải vất vả như thế nào để làm học trò hiểu bài, thu hút, hấp dẫn học trò”, Uyên nói thêm.

    Đảm nhận dạy bộ môn vật lý, thầy Trung cho biết: “Môn vật lý khá nhiều lý thuyết nên tôi muốn tạo cho các em tham gia tiết học thực hành sôi động do chính các em dẫn dắt. Từ đó các em sẽ yêu thích môn vật lý và hiểu những ứng dụng thực tế của môn học này vào cuộc sống”.

    Chủ đề được thầy Trung lựa chọn cho tiết học là Khảo sát chỉ số sức khỏe BMI như một tiết học chuyên đề. Tiết học này, thầy Trung chỉ giữ vai trò hướng dẫn các em tìm tài liệu, lên kịch bản lớp học, giúp học sinh làm hoạt cảnh và tham gia tiết học như… một "người khách".

    Thầy Trung chia sẻ: “Tôi hết sức bất ngờ khi học sinh có thể tự mình tìm tài liệu, tự tin tổ chức lớp học, đưa ra những công thức tính toán mà các em sưu tầm được,… Chính các em đã tạo cho lớp học thêm sinh động chứ không phải ai khác. Bản thân mình cũng học được nhiều điều từ các em”.

    Cô trò cùng lượm ve chai làm từ thiện

    Vào thời gian cuối những tiết học môn hóa, cô Lưu Hạnh Dung và học trò Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thường ngồi lại với nhau, kể về những chuyện cô gặp trong cuộc sống cho học trò nghe.

     
    Cô Dung trên bục giảng - Ảnh: Hoàng Quyên

    Những câu chuyện về số phận nghèo, người neo đơn, những em nhỏ kém may mắn trong cuộc sống hay những chuyến đi từ thiện của cô giáo… trong lớp học biến thành những chuyến đi thực tế theo nhu cầu của học trò.

    “Những lúc học xong căng thẳng quá, cô Dung thường kể cho tụi em nghe nhiều chuyện cô gặp cho bớt căng thẳng. Từ những câu chuyện cô kể rất sinh động và ý nghĩa, tụi em đã đề nghị cô cho tham gia thực tế”, Trần Hoàng Nguyên, học sinh lớp 11 kể lại.

    Nguyên cho rằng vì học sinh thì không có tiền nên cả lớp đã nhờ cô hướng dẫn đi nhặt ve chai kiếm tiền làm từ thiện thay vì xin tiền của ba mẹ.  

     

     
     

    Cô Dung thường xuyên tổ chức cho học sinh đi làm từ thiện vào những dịp đặc biệt, có khi là dịp Noel, dịp tết… để trao quà cho trẻ em nghèo, người lang thang… Cuộc sống con người nhân nghĩa là việc làm đầu tiên, làm được càng nhiều càng tốt. Học sinh học giỏi đã tốt nhưng cũng cần có tình người. Vì đó mà tôi rất ủng hộ hoạt động xã hội của cô Dung và học trò.

    Thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận.

     

    Bày tỏ cảm giác khi trao quà đến tay người nghèo, Nguyên nói: “Em rất vui và tự hào vì món quà là thành quả sức lao động của mình bỏ ra và vì nhìn thấy niềm vui của họ khi nhận món quà đó”.

     

    Để chuyến đi thành công, cô Dung cho biết đã hướng dẫn học trò phân công công việc, cách gõ cửa, xin ve chai từng nhà. Ngay cả cách đi tặng quà cho người nghèo cô cũng phải lưu ý học trò để người nhận được vui.

    Cô Dung cho biết, ngày đi xin ve chai mưa dữ lắm, học trò sợ tôi bệnh nên kêu tôi ngồi một chỗ sắp xếp ve chai, các em thì đội áo mưa đi xin.

    “Tôi rất cảm động khi các em tỏ ra hăng hái, đoàn kết, yêu thương nhau trong quá trình làm. Các em đã tự biết cách tổ chức, lên kế hoạch và hỗ trợ nhau”, cô Dung tâm sự.

     

     

    Làm văn trên sông

    Mỗi năm một lần, vào tháng 10, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) được ra tận sông Sài Gòn, ngồi trên thuyền để học viết văn.

    Các em được ngồi trên thuyền lớn, người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền… nhìn ra sông, lấy cảm hứng để làm bài tập: Mô tả con sông quê em. Tiết học này có tên gọi là “tiết học 2 trong 1”, một tiết học sử tại Bến Nhà Rồng và một tiết học tập làm văn trên sông.

     
    Học sinh ngồi trên thuyền thảo luận ý tưởng cho bài văn - Ảnh: Đức Hiền

    Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết tiết học này đã được thực hiện cho học sinh khối lớp 5 được 4 - 5 năm nay.

    “Hiện nay, thực trạng học sinh làm theo văn mẫu cũng vì các em không có ý để viết bằng lời văn của mình. Muốn học sinh có ý thì bản thân các em phải được chứng kiến thực tế. Đó là lý do nhà trường đã tổ chức những chuyến đi thực tế này”, cô Điệp nói thêm.

    Theo cô Điệp, khi đi thực tế, trẻ được cô giáo gợi ý và hướng dẫn để định hướng nhưng mỗi trẻ lại có cách suy nghĩ khác nhau. Những em ngồi phía trước thuyền sẽ mô tả nước, lục bình, ánh sáng… khác với những em ngồi cuối thuyền.

    Không chỉ môn văn, với môn tự nhiên xã hội học sinh thường được đến thảo cầm viên để tìm hiểu thực tế. Hay như tiết học về môi trường ở ruộng lúa cùng nông dân… Đó cũng là cách nhiều trường tiểu học ở TP.HCM "đổi gió" cho học sinh ngoài những tiết học có phần "khô khan" trong lớp học.

     Hoàng Quyên