• 28/10/2012 09:39 AM

    Dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh – Thách thức mới

     “Dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh – Thách thức mới” là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo “Kỹ năng học tập thế kỷ 21 tại khu vực Đông Nam Á”, diễn ra chiều 27/10, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển; đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ; nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, tâm huyết với vấn đề GD kỹ năng sống cho giới trẻ đã cùng tham dự Hội thảo.

    Quang cảnh hội thảo (Ảnh: gdtd.vn)

    Các tham luận tập trung lý giải cho câu hỏi Tại sao việc Dạy Kỹ năng sống thế kỷ 21 lại là một thách thức? và vấn đề cấp bách của việc trang bị kỹ năng sống trong thế kỷ 21 cho học sinh.

    Thực tế cho thấy, đã bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, song nhà trường của chúng ta vẫn đang gặp nhiều rào cản khi thực hiện mô hình GD mới. Nhận thức và thói quen cũ là một trong những nguyên nhân, song một phần cũng là do mô hình GD truyền thống cũng đã từng mang lại những thành công nhất định.

    Với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, cuộc sống của chúng ta thực sự đã thay đổi về chất. Thế kỷ này, chúng ta đang sống trong thế giới số hóa với sự hỗ trợ của công cụ số… Tất cả những công cụ này làm thay đổi lối sống của thế hệ chúng ta, thay đổi cách chúng ta ăn, ở, làm việc, thay đổi cách thức sản xuất và tiêu dùng, thay đổi hành vi ứng xử, thay đổi cả thói quen và nền tảng văn hóa.

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2012, cả nước ta có 128,1 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có tới 116 triệu thuê bao di động. Giới trẻ hiện nay gần như ai cũng có điện thoại di động; có 4 triệu thuê bao Internet và có tới 31.1 triệu người dung Internet thường xuyên. Việt Nam đã trở thành nước có số dân dung Internet đứng thứ 8 Châu Á và là một trong 20 nước có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới…

    Cách con người giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau đã thay đổi rất nhiều; cách vui chơi giải trí cũng khác; thậm chí cách thức làm ruộng của người nông dân cũng khác trước rất nhiều.

    Như vậy, tất cả chúng ta đều đứng trước thách thức của sự thay đổi và thực sự chúng ta cũng đã thay đổi.

    Tiến sĩ Phạm Phương Luyện, chuyên gia GD cao cấp cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi cách thức GD theo hướng dạy kỹ năng thế kỷ 21 là vì, chương trình GD hiện hành vẫn là kiểu chương trình của thế kỷ 20, nặng về kiến thức, trong khi đó đòi hỏi của thị trường đã hoàn toàn khác,… Cần tăng cường kỹ năng tư duy, tương tác và phân tích trong chương trình giảng dạy. Cốt lõi nhất vẫn là khả năng nắm bắt kiến thức một cách nhanh nhất để rồi vận dụng ngay kiến thức đó trong công việc, và kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng sử dụng công nghệ và kỹ năng sáng tạo. Đây chính là tập hợp kỹ năng thế kỷ 21.

    Cũng theo Tiến sĩ Phạm Phương Luyện, để định hướng đầu ra cho ngành GD, Việt Nam cũng cần thiết ra một Bộ Kỹ năng mục tiêu cho các trường, gồm 10 kỹ năng cơ bản: Kỹ năng Tự học; Kỹ năng Lãnh đạo và tạo dựng uy tín cá nhân; Kỹ năng Chủ động và dám nghĩ dám làm; Kỹ năng Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện; Kỹ năng Lắng nghe; Kỹ năng Thuyết trình; Kỹ năng Giao tiếp; Kỹ năng Giải quyết vấn đề; Kỹ năng Làm việc theo nhóm; Kỹ năng Đàm phán. Các bộ kỹ năng ở mỗi nước có thể ít nhiều khác nhau đôi chút nhưng đều phán ánh tính cấp thiết của một công việc trọng đại: Giáo dục học sinh thành người lao động có kỹ năng và một công dân tốt.

    Dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh là vấn đề cấp bách và cần bắt đầu càng sớm càng tốt, để góp phần đảm bảo rằng, thế hệ học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ có đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mang tính toàn cầu, có khả năng tư duy những vấn đề trừu tượng, hợp tác tốt trong công việc và phân biệt tường minh các nguồn thông tin tốt, xấu… Tất cả sẽ góp phần quan trọng xây dựng và phát triển một xã hội ổn định, bền vững.

    Theo báo GDTĐ - Bảo Minh