Cách đây 30 năm, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT ngày 28/9/1982 lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Việc lựa chọn ngày 20/ 11 hàng năm là ngày tôn vinh các thầy giáo, cô giáo – những người đảm nhiệm sứ mệnh vẻ vang “trồng người” đã thể hiện sự quan tâm to lớn và sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành Giáo dục nói chung. Việc lựa chọn này là sự kế thừa và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đến nay ngày 20/11 không chỉ là ngày hội của riêng ngành Giáo dục mà thực sự đã trở thành ngày hội của toàn xã hội.
|
Ảnh minh họa/Internet |
Mỗi người chúng ta ai chẳng có thời đi học, hoặc do điều kiện khó khăn thì cũng đau đáu ước mơ được cắp sách đến trường. Gia đình nào chẳng muốn con em mình đến trường để được giáo dục, rèn luyện thành người hữu ích. Nói đến sự học cha ông ta đã đúc kết: “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy giáo, cô giáo là người truyền dạy kiến thức, giúp hình thành thái độ và cách ứng xử đúng đắn, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thêm trong sáng và phong phú để mỗi người chúng ta có nhân cách phát triển, có năng lực và phẩm chất giúp ích cho xã hội. Từ đó góp phần quan trọng chuẩn bị hành trang cho chúng ta vào đời và vững bước trên con đường đi lên phía trước. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy được khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người chúng ta. Và câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu Kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” đã và mãi mãi đồng hành cùng chúng ta đi dọc theo năm tháng
Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, bởi đất nước ta là đất nước ngàn năm văn hiến và nhân dân ta có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học. Chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong từng trang của lịch sử dân tộc hình ảnh người học trò nghèo đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách, hình ảnh những người vợ, người mẹ, tảo tần sớm hôm lo cho chồng, cho con nấu sử sôi kinh, và đặc biệt là những lớp học xưa với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học. Người thầy được tôn vinh bởi người thầy không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao người thầy như thế. Đó là người thầy của muôn đời Chu Văn An (1292 – 1370) – người dạy học cho thái tử, cũng là người đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch. Đó là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn – tác giả của nhiều bài thơ, văn bất hủ tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân. Đó là các bậc thầy cao quý như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Lân.... Những người thầy như vậy và biết bao người thầy khác đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
|
Ảnh tư liệu |
Đặc biệt, nhà giáo được tôn vinh bởi đội ngũ người thầy có ảnh hưởng to lớn đến sự tồn vong, phát triển của đất nước. Nói cụ thể hơn, người thầy là chủ thể có vai trò quyết định trong việc giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam, trong việc đào tạo nguồn nhân lực làm lực lượng và động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ phong kiến ở nước ta, với sự truyền dạy, đào tạo của các bậc thầy Nho học, nền giáo dục Nho học Việt Nam đã có tổng số 2898 vị đỗ đại khoa. Đây là nguồn nhân lực tinh hoa của đất nước. Các vị đỗ đại khoa này và những người có học khác đã góp phần quan trọng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục nước nhà, đội ngũ nhà giáo của chúng ta không ngừng được xây dựng lớn mạnh, ngày càng đóng góp hiệu quả vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Vì độc lập và tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp trồng người, nhiều nhà giáo đã ngã xuống trong chiến tranh như người chiến sĩ. Máu của các nhà giáo liệt sỹ ấy đã làm rạng rỡ thêm hình tượng cao đẹp của Nhà giáo Việt Nam.
|
|
Hiện nay đội ngũ nhà giáo Việt Nam có khoảng 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Các thầy giáo, cô giáo của chúng ta đang là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Đặc biệt có biết bao các thầy giáo, cô giáo ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đang cống hiến tuổi thanh xuân của mình để mang “con chữ” đến cho các em nhỏ. Từ trái tim mình, chúng ta có thể tự hào khẳng định : Vinh quang Nhà giáo Việt Nam. Dù rằng ở đâu đó trong đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn có người chưa gương mẫu, chưa xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Việt Nam, nhưng không thể vì những hiện tượng cá biệt này mà phủ nhận hàng triệu nhà giáo đang tâm huyết hàng ngày, hàng đêm miệt mài trên giảng đường, bên trang giáo án cống hiến tâm lực của đời mình cho sự nghiệp đổi mới và phát triển nền giáo dục nước nhà. Được sự quan tâm , hỗ trợ to lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với sự nỗ lực của mỗi thầy giáo, cô giáo và cộng đồng giáo giới, nhất định đội ngũ nhà giáo Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh và vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành sứ mệnh trồng người cao cả.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2012 này, bằng tất cả tình cảm chân thành của một cựu học trò, xin gửi tới các thầy giáo, cô giáo những bó hoa tươi thắm nhất, lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất.
Theo báo GD&TĐ - N.D.B