• 29/11/2012 08:16 PM

    Giáo dục phổ thông sẽ theo hướng tích hợp và phân hóa

     Tại hội thảo khoa học “Dạy tích hợp - dạy học phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015” do Bộ GD&ĐT tổ chức đã thu hút được sự quan tâm, góp ý của nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, giảng viên, giáo viên trong cả nước.

    Cần giảm môn học bắt buộc, tăng các môn học tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ảnh minh họa

    Nhiều chuyên gia đã khẳng định việc dạy học tích hợp (kết hợp, lồng ghép các môn học) và dạy học phân hóa (chuyên sâu về lĩnh vực/ môn học) là xu hướng của thế giới. Tuy Việt Nam đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo quan điểm tích hợp nhưng chậm và chưa hiệu quả.

    Để triển khai phương pháp dạy học tích hợp và phân hóa đạt hiệu quả, tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực tương thích cho học sinh ở từng cấp học, các chuyên gia cho rằng phải gấp rút đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn sau năm 2015 cho phù hợp, thiết thực.

    Chương trình, sách giáo khoa cần được xây dựng theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa rõ dần. Cần giảm môn học bắt buộc, tăng các môn học tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

    Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường tích hợp trong nội bộ các môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3. Xây dựng hai môn học mới Khoa học và Công nghệ và Tìm hiểu xã hội đối với hai lớp 4 và 5.

    Ở bậc THCS, ngoài các môn học cũ là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục Công dân sẽ xây dựng hai môn học mới gồm môn Khoa học Tự nhiên  và môn Khoa học Xã hội.

    Các năm lớp 11 và 12 sẽ có 4 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Giáo dục Công dân. Học sinh sẽ chọn 3 môn còn lại trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Môi trường, Công nghệ.

    Trong điều kiện hiện nay, các hướng dạy học tích hợp, dạy học phân hóa vẫn riêng lẻ là do việc thực hiện và đánh giá riêng lẻ và quá tải của nội dung. Sau năm 2015, việc dạy học này phải hợp với từng đối tượng học sinh, vùng miền cụ thể và đáp ứng được mục đích dạy học.

    Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tiến hành nhiều hội thảo để các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các giảng viên, giáo viên, các bộ quản lý trao đổi thảo luận những vấn đề về dạy học tích hợp và dạy học phân hóa trong chương trình và SGK sau năm 2015.

    Theo báo GD&TĐ - Lan Anh