Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học
Ngày 18/6/2012 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giáo dục Đại học với số tán thành 84,57%. Luật Giáo dục Đại học gồm 7 chương, 73 điều, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Tư tưởng xuyên suốt của Luật Giáo dục Đại học là trao quyền tự chủ ở mức tối đa phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Luật quy định về vấn đề này theo hướng chỉ mang tính nguyên tắc về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và không dẫn chiếu đến các điều khoản cụ thể.
Luật giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Trước đó, đã có không ít ý kiến tranh luận của các nhà chuyên môn, những giáo sư đầu ngành không đồng tình thông qua Dự thảo luật trong năm 2012. Theo GS Trần Hồng Quân “Dự án Luật Giáo dục đại học đang rối mà chúng ta chưa có hướng giải quyết, chưa có chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục đại học. Vì vậy, có thông qua thì Luật cũng không thể áp dụng”.
|
Ảnh minh họa Internet |
Còn GS Phạm Thụ thì cho rằng, nếu thông qua Luật Giáo dục Đại học trong năm 2012 này thì chúng ta làm ngược quy trình. Luật Giáo dục Đại học là nội dung phải hành lang hóa các đường lối chính sách của nhà nước. Đường lối của Giáo dục thể hiện ở chiến lược giáo dục. “Phải đợi ít nhất đến sau hội nghị Trung ương tháng 10 để có đường lối rõ ràng, có thể soạn thảo lại và thông qua vào năm 2013” GS Phạm Thụ nhấn mạnh.
Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh: Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đổi mới trong thời điểm nào, thời đại nào thì lại là một câu hỏi còn nhiều ý kiến bàn luận. Cho đến nay, khi sự nghiệp giáo dục của nước nhà được cho là đang phát triển về lượng, tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại sự phát triển này chỉ là bề nỏi, chưa có thực lực của chất trong đó. Chúng ta muốn phấn đấu bằng các nước tiên tiến nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định, nền giáo dục của Việt Nam đang đi chệch hướng của con đường nhân loại.
Cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nền giáo dục phát triển chậm còn có thể khắc phục được, nhưng đối với một nền giáo dục đi chệch hướng ra khỏi “đường ray” thì còn nguy hiểm gấp bội. Trong năm 2012 dư luận đã dành không ít thời gian cho tư tưởng đổi mới giáo dục lần này, và kỳ vọng vào nhiều điểm sáng hơn so với những lần đổi mới trước.
Người luôn có phát ngôn sắc sảo và luôn có tâm huyết với ngành giáo dục là GS Hoàng Tụy từng nói: Muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cần phải có một tư duy hệ thống. “Giáo dục là một hệ thống phức tạp, nếu đổi mới theo kiểu cứ gặp đâu làm đó thì sẽ không tránh được “đầu Ngô, mình Sở”, hiệu quả sẽ rất thấp kém” GS Hoàng Tụy khẳng định.
Còn Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Thay đổi căn bản và toàn diện một nền giáo dục là công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong. Tình thế rất bức thiết, phải khẩn trương nhưng lại phải căn cơ, bài bản, không thể riêng một mình ngành giáo dục làm nổi. Trước mắt Trung ương cần bàn và ra nghị quyết, xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thực sự đổi mới căn bản và toàn diện.
Góp chung cho ý kiến trọng đại này, GS Phạm Minh Hạc – Nguyên là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải cải tạo tâm lý sính bằng cấp nặng nề trong xã hội, điều đó cần một giải pháp đồng bộ. Cho tới hiện nay các ý kiến đóng góp cho sự nghiệp đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục đang được Bộ GD&ĐT tiếp thu và sớm có những điều chỉnh phù hợp.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư bế mạc Hội nghị TƯ 6 vừa qua đã nêu rõ, sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực có hạn, với sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đội ngũ nhà giáo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta đã thu được những kết quả, thành tựu rất có ý nghĩa trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, đến nay giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển; thậm chí còn không ít hạn chế, yếu kém, nhất là về chất lượng giáo dục - đào tạo; công tác quản lý và cơ chế tạo nguồn lực và động lực cho phát triển,… Trung ương yêu cầu phải đổi mới từ nhận thức tư duy, mục tiêu đào tạo, hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo, nội dung và phương pháp dạy và học đến cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục, bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đào tạo nghề.
Đây là những vấn đề hết sức lớn lao, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành Nghị quyết vào thời gian thích hợp. Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khoá IX và các kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2020.
Trợ cấp thâm niên cho giáo viên
Đầu tháng 10/2012 Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Theo đó, hiện có khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 01/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu nhưng đã được hưởng PCTN từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1993 theo Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
Cụ thể:
+ Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/1994 đến 12/1998, số tiền trợ cấp là 2.000.000đ/người.
+ Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/1999 đến 12/2003, số tiền trợ cấp là 3.000.000đ/người.
+ Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/2004 đến 5/2011, số tiền trợ cấp là 3.500.000đ/người.
Dự toán ngân sách chi cho chế độ này theo các mức trên, khoảng 565 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự thảo này đưa ra lấy ý kiến đã gặp phải nhiều phản ứng của các giáo viên. Những giáo viên cho rằng, khoảng trợ cấp này không xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra, và càng không xứng đáng với một nghề cao quý, việc trợ cấp như một sự "bố thí".
Dạy thêm, học thêm ở tiểu học vẫn tràn lan
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, theo đó, không được dạy thêm cho học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/tuần. Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn cấm, trên cả nước nhất là các thành phố lớn tình trạng dạy thêm, học thêm còn rất phổ biến.
Theo nhiều chuyên gia, việc xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm còn là lẽ đương nhiên khi các chính sách hỗ trợ nhà giáo còn thiếu, nhất là lương và phụ cấp. Với hệ số lương của giáo viên như hiện nay không thể đủ sống, từ đó xuất hiện nhiều giáo viên tổ chức mở lớp dạy thêm để kiếm thêm thu nhập.
Dưới cái nhìn của người trong cuộc, hiệu trưởng một số trường THPT của Hà Nội cho rằng dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thật của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Nhu cầu này một phần bởi cách thi cử hiện nay, phần khác, quan trọng hơn, là do áp lực từ nội dung chương trình.
Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đến nỗi các thành phố lớn liên tiếp phải ra văn bản chấn chỉnh lại việc này. Cách đây không lâu, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội là không cho phép dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học (cả trong và ngoài nhà trường) nên không hướng dẫn các nội dung liên quan cũng như chỉ đạo không cấp phép cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào dạy thêm học sinh tiểu học “Nếu tổ chức, cá nhân nào cố tình dạy thì đó là dạy không phép”, ông Quang nói.
Cho đến nay, mặc dù ráo riết thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm nhưng tình trạng có cầu ắt sẽ có cung vẫn thường diễn ra, và những quy định như việc cấm dạy thêm, học thêm là rất khó thực hiện.
Đội tuyển Olympic đoạt giải thưởng cao
Năm 2012, Việt Nam cử 7 đoàn gồm 34 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn: Vật lý, Hóa học, Toán học, Sinh học, Tin học và Hội thi Nghiên cứu khoa học-kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF).
Trong số các em tham dự các môn thi, đội tuyển Việt Nam đã giành được 8 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng.
Lần đầu tiên trong lịch sử dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa dành cho học sinh THPT, cả 31 học sinh của tất cả các đội tuyển đều đoạt huy chương, trong đó có 5 HCV; 11 HCĐ. Đây cũng là lần đầu tiên, một nhóm 3 học sinh đoạt giải, và là giải Nhất Hội thi Intel ISEF.
Trong kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2012, một số địa phương chưa từng có tên trong bảng vàng thành tích thi Olympic khu vực và quốc tế những năm trước thì năm nay, lần đầu tiên có học sinh dự thi và đoạt huy chương. Trong đó, tỉnh Sơn La - địa phương miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện dạy và học nhưng đã có học sinh dự thi và đã đoạt huy chương ở cả hai kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Olympic Vật lý quốc tế.
Tỉnh Hà Nam lần thứ 3 có học sinh đoạt huy chương môn Vật lý quốc tế, nhưng kể từ 17 năm sau tái lập tỉnh, năm nay lần đầu tiên có học sinh dự thi và đoạt huy chương ở cả hai kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Olympic Vật lý quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để có những thành tích trên là do sự nỗ lực phấn đấu của các em học sinh, sự tận tâm giảng dạy của các trường, thầy cô giáo đã dìu dắt, hướng dẫn các em vững bước đi thi. Bên cạnh đó là quy chế đổi mới của Bộ GD-ĐT trong chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các em học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Điều này đã góp phần đáng kể khuyến khích học sinh hứng thú học tập và tích cực tham gia vào các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng dần đều sau 6 năm thực hiện “hai không”
Phong trào “hai không” trong thi cử được áp dụng những năm trước đã tỏ rõ kết quả của nó. Tuy nhiên, càng về sau này phong trào này lại tỏ ra không mạnh, nhiều người nói rằng “hai không” đã hoàn thành sứ mạng của nó và hiện cần phải có một thay đổi mang tính hệ thống để nâng cao chất lượng học sinh đỗ tốt nghiệp.
Có thể thấy rõ đồ thị hình sin của phong trào “hai không” thể hiện qua các năm; Sau hiện tượng "Đỗ Việt Khoa", tháng 7/2006, tân Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào "Hai không" với cam kết của lãnh đạo Bộ và Giám đốc 64 tỉnh, thành phố. Năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện phong trào này, năm đó tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ đạt 66%. Năm 2008, tỉ lệ đỗ cả nước tăng thêm 9%. Năm 2009, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình là gần 84%. Bước sang năm thứ tư thực hiện "Hai không" (năm 2010), tỷ lệ tốt nghiệp bình quân cả nước đã tăng lên 93%. Năm 2011, tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT của cả nước lại tăng lên 96%. 54 trong số 63 tỉnh, thành phố đỗ tốt nghiệp trên 90%, và tỉnh đỗ thấp nhất là 82% và cho tới năm 2012, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung cả nước đạt 97,63%. Cụ thể, đối với hệ THPT, tỷ lệ đỗ đạt 98,87% còn hệ Giáo dục thường xuyên đạt 85,47% - một con số rất ấn tượng.
Với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở con số đẹp như mơ này khiến nhiều người hoài nghi về một chất lượng giáo dục không thực chất. Các ý kiến bày tỏ cần có một cuộc “cách mạng” để nâng tầm hoặc cách nào đó cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT. PGS - TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thì cho rằng không nên xem kỳ thi tốt nghiệp THPT là "bảng chuẩn" cho chất lượng giáo dục.
Theo GS Nhĩ thì, "Tính chất các bài thi chỉ để đánh giá vài môn, mỗi môn chỉ "nhấn" vào vài vùng kiến thức, không thể nói đại diện hết cho chất lượng đào tạo. Chưa kể các đề thi hiện nay chủ yếu đòi hỏi kiến thức chứ ít bộc lộ được kỹ năng. Trong khi đó để vào đời, cái cần nhất lại là kỹ năng, suy nghĩ nhanh không, quyết định chính xác không?...”.
Theo báo Giáo dục Việt Nam - XT