Tin học được coi là môn học có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển trí tuệ, tư duy thuật toán cho HS, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, việc giảng dạy tin học ở trường phổ thông Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn.
|
Theo ThS.Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đội ngũ giáo viên đảm nhận môn Tin học hiện nay tại các trường phổ thông ở Việt Nam không hoàn toàn được đào tạo chính quy ở các trình độ khác nhau về Tin học mà được đào tạo từ các ngành khác như Toán – Tin, Lý – Tin... hoặc giáo viên từ các môn tự nhiên khác chuyển sang đảm nhiệm môn Tin học sau khi qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về Tin học. Trong khi đó, Tin học là một trong những môn học khó giảng dạy nhất và đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao trình độ. Việc Tin học là môn học mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm về lý luận và thực tế; trình độ ngoại ngữ hạn chế của giáo viên hiện nay... cũng là rào cản trong việc nâng cao trình độ Tin học giáo viên hiện nay.
Trong khi đó, trình độ của học sinh không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước, học sinh các thành phố lớn, các vùng miền có điều kiện tiếp xúc với khoa học công nghệ phát triển sẽ có cơ hội tiếp cận với CNTT nhanh hơn. Không chỉ vậy, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và các yếu tố khác kèm theo ở nhà trường cũng rất khác nhau giữa các vùng miền, gây khó khăn không nhỏ cho giáo viên và học sinh trong dạy – học Tin học.
Đề cập đến những tồn tại trong nội dung chương trình, giảng viên khoa CNTT – Trường CĐSP Hà Nội Hà Đặng Cao Tùng cho rằng, chất lượng và hiệu quả về giáo dục của môn Tin học hiện nay vẫn là vấn đề dai dẳng, chưa được giải quyết là hệ quả của cách tiếp cận xây dựng nội dung chương trình.
“Cách tiếp cận xây dựng chương trình môn Tin học là hướng dẫn sử dụng máy tính, mạng máy tính và phần mềm ứng dụng, đại diện là chương trình Tin học phổ thông hiện nay của Việt Nam. Cách tiếp cận này chỉ tạo ra những khách hàng tốt cho các công ty máy tính, các hãng phần mềm. Trong khi đó, dạy phương pháp xử lý thông tin qua các tình huống làm nảy sinh nhu cầu thông tin, cách khảo sát, tìm kiếm thông tin mới, lưu trữ, biến đổi, tổ chức lại thông tin... sẽ tạo ra những nhà sản xuất biết lựa chọn công cụ phù hợp với mục đích của mình để tạo ra sản phẩm. Học sinh của chúng ta đang bị nhà sản xuất dẫn dắt thay vì chủ động lựa chọn công cụ phục vụ mục đích của mình” – giảng viên Hà Đặng Cao Tùng cho hay.
Giảng viên Hà Đặng Cao Tùng cho rằng, cần xuất phát từ yêu cầu về năng lực của học sinh để xây dựng chương trình. Kỹ năng sử dụng các ứng dụng CNTT cụ thể chỉ là phần ngọn trong hệ thống tri thức và kỹ năng của người lao động. Vì vậy, nội dung này nên được huấn luyện cho người lao động ngay trước khi học cần đến nó trong quy trình nghiệp vụ của mình hơn là dạy cho họ trong một chương trình căn bản.
Theo báo GD&TĐ - Hải Bình