Chúng ta đang tiễn năm 2012 đi và chào đón năm 2013 tới. Từ thời điểm giao thời này, có thể nhìn lại những gì đã diễn ra trong năm cũ và chuẩn bị những bước tiếp theo trong năm mới.
|
(Ảnh MH: Internet) |
Năm 2012 là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Đây là năm có nhiều sự kiện chính trị lớn. Trong đó đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về công tác xây dựng Đảng đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống xã hội và Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xem xét nhiều vấn đề lớn của đất nước, đưa ra nhiều định hướng phát triển quan trọng. Năm 2012 cũng là năm ngành Giáo dục nỗ lực phấn đấu theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
Năm 2012, kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và khó khăn nhiều hơn; thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, tăng cường kiềm chế lạm phát dẫn đến cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn. Bên cạnh đó còn thiên tai, dịch bệnh, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị - xã hội… Mặc dù vậy, chúng ta đã tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng: Lạm phát được kiềm chế ở mức 6,8%; kinh tế vĩ mô ổn định hơn, sản xuất, kinh doanh được duy trì; tốc độ tăng trưởng GDP tuy thấp nhưng được cải thiện sau mỗi quý, ước cả năm đạt khoảng 5,2%. Tuy nhiên tình hình chung còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp. Sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, tồn kho một số lĩnh vực còn cao, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp…
Dự báo kinh tế thế giới và trong nước năm 2013 tiếp tục có nhiều khó khăn, một số mặt còn khó khăn hơn năm 2012. Mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội và mục tiêu tài chính ngân sách nhà nước năm 2013 được xác định là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn và nâng tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tất cả nhằm tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho các năm tiếp theo.
Năm 2012, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo đều đạt và vượt kế hoạch. Chất lượng giáo dục có bước tiến bộ. Cơ sở vật chất trường học, lớp học tiếp tục được tăng cường, kiên cố hóa. Ký túc xá sinh viên được quan tâm đầu tư. Tình trạng xã trắng về giáo dục mầm non cơ bản được khắc phục. Số trẻ mẫu giáo đạt 3,6 triệu, tăng 7,6% so với kế hoạch. Các chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng… mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên đã khắc phục được tình trạng bỏ học do không có tiền đóng học phí. Công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, giáo dục – đào tạo vẫn còn nhiều yếu kém; chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng chậm được cải thiện; việc xây dựng các trường đại học trọng điểm, đại học xuất sắc còn chậm; cơ sở vật chất một số trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng và hiệu quả dạy nghề còn thấp. Quản lý nhà nước về giáo dục tuy đã có những đổi mới về tư duy và hành động, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Một số vấn đề bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội vẫn chưa được khắc phục, giải quyết triệt để như tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu đầu năm học, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục...
Theo kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Đảng, trong thời gian tới, với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức và tư duy về giáo dục cũng như về công tác quản lý giáo dục, về nội dung, phương pháp giáo dục, về hình thức và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, về cơ chế chính sách đầu tư tài chính. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông phục vụ đổi mới giáo dục. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục.
Nhận thức rõ những hạn chế, yếu kém đang tồn tại, với quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu cao, được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của toàn xã hội, trong năm 2013, nhất định ngành Giáo dục cùng cả nước sẽ vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu mới để tiếp tục đi lên trên con đường phát triển.
Giáo dục & Thời đại