Với quan điểm, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục của trường học; Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Một trong những nội dung được chú trọng trong công tác này là bồi dưỡng giáo viên.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã tập trung xây dựng Chương trình bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và Quy chế thực hiện các chương trình này nhằm hỗ trợ đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm.
Theo tinh thần quy chế, công tác chỉ đạo BDTX được thực hiện kết hợp cả hai hướng là từ trên xuống và từ dưới lên. Bộ GD&ĐT, các Sở và phòng GD&ĐT chỉ đạo các nội dung bắt buộc nhằm phát triển giáo dục của ngành, địa phương nhưng trong đó giáo viên vẫn được đề xuất và lựa chọn nội dung BDTX theo nhu cầu phát triển chuyên môn liên tục của cá nhân mỗi giáo viên, hỗ trợ họ nâng cao mức độ đáp ứng so với chuẩn nghề nghiệp.
|
Hộ nghị triển khai Chương trình BDTX cho giáo viên mầm non, phổ thông và GDTX do Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý cơ sở Giáo dục - Bộ GD&ĐT tổ chức. (Ảnh: gdtd.vn) |
Tại tỉnh Phú Yên, riêng đối với cấp học mầm non trong hai năm học vừa qua (2010-2011 và 2011-2012), toàn tỉnh đã thực hiện BDTX cho gần 4.000 người tham gia học tập nâng cao trình độ. Đến cuối năm học 2011-2012, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99% và trên chuẩn là 59,5%. Hiện nay, 100% cac xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường lớp mầm non. Năm học 2012-2013 có 134 trường mầm non, tăng thêm 02 trường so với năm học trước, trong đó có 125 trường công lập và 09 trường tư thục. Quy mô phát triển trường lớp mầm non ngày được nâng lên cả về số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hiện số trẻ đi học nhà trẻ, mẫu giáo tăng so với năm học trước, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi trong các năm vừa qua huy động đạt 99% trở lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, muốn triển khai thực hiện tốt công tác BDTX đối với giáo viên mầm non, điều trước tiên là hàng năm phải có kế hoạch BDTX. Và điều quan trọng là phải chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên cốt cán có năng lực, trách nhiệm được tập huấn do Bộ tổ chức hoặc được giao nghiên cứu các chuyên đề theo tài liệu hướng dẫn của Bộ và của Sở trước khi tập huấn. Mặt khác cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia công tác bồi dưỡng và phòng ban chuyên môn liên quan của Sở GD&ĐT.
Còn đối với Lào Cai, một tỉnh vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc, dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 243 trường tiểu học, trong đó số học sinh dân tộc chiếm 74,2% với trên 49.000 em. Trình độ giáo viên ở bậc học này không đồng đều do đó ngành GD&ĐT Lào Cai xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên ngày càng nâng cao về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ là giải pháp đột phá; trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ then chốt.
Theo đó, Lào cai đã tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp có tính chất đồng bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đó là: Chú trọng xây dựng đội ngũ cốt cán ổn định, trong đó có lực lượng làm cốt cán ở cấp tỉnh, cấp huyện và tại cơ sở. Đội ngũ cốt cán được lựa chọn từ những phong trào hội giảng, thi đua dạy tốt, học tốt những điển hình xuất sắc. Hiện đội ngũ này ở Lào Cai có vài trăm người, trung bình mỗi huyện 30 người. Đội ngũ này vừa làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, vừa làm nhiệm vụ hướng dẫn, BDTX. Do vậy hiệu công tác bồi dưỡng đạt cao hơn.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Lào Cai còn chú tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng BDTX theo chu kỳ; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình BDTX theo Thông tư số 32/2011/TT-BGDĐT ngày 08/8/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành chương trình BDTX giáo viên tiểu học và cuối cùng là mạnh dạn đẩy mạnh bồi dưỡng cho cán bộ quản lý trường học giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học thông qua các Chương trình dự án.
Kết quả, trong những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ đến trường luôn ở mức cao. 100% số trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo trước khi vào lớp 1 đều có vốn tiếng Việt tối thiểu. Học sinh vùng đặc biệt khó khăn và học sinh dân tộc thiểu số học xong lớp 1 đều đạt yêu cầu trở lên theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Toàn tỉnh có 115 trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai, Chương trình BDTX cho giáo viên đã góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy – học, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới cho giáo dục phổ thông.
Thực tế cho thấy, công BDTX cho giáo viên là yêu cầu khác quan vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Và hơn bao giờ hết, các đơn vị có liên quan tới công tác BDTX giáo viên theo nhiệm vụ, vai trò, chức năng của mình, cần phối hợp chặt chẽ và nhất quán trong tất cả các khâu của quá trình BDTX từ chỉ đạo, xây dựng thực hiện kế hoạch cũng như giám sát. Bên cạnh đó rất cần sự đổi mới từ suy nghĩ đến hành động của mỗi giáo viên trong phát triển chuyên môn liên tục để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của đất nước vì rằng giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Theo báo GD&TĐ - Dương Thủy - Vũ Hùng