Sau đây là những ý kiến đề xuất định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDCD sau năm 2015 của những nhà chuyên môn.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó vụ trưởng Vụ GD Trung học:
|
Nên dành nhiều thời lượng hơn cho môn GDCD |
Một số nét lớn nhằm vận dụng định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015 vào việc xây dựng chương trình và dạy học môn Đạo đức – GDCD: Về nội dung chương trình: Cần làm rõ những giá trị cơ bản của “đạo lý dân tộc, đạo đức xã hội, trách nhiệm cộng đồng” cũng như “những giá trị cơ bản của Triết học Mác – Lê Nin” là những nội dung gì? Sau đó cần chú ý mức độ phù hợp trên 2 bình diện: tâm lý - lứa tuổi và đặc trưng ngành nghề.
Cũng là giáo dục “những giá trị cơ bản” nhưng với các cấp bậc học, các nhóm ngành nghề khác nhau, cần lựa chọn một số nội dung phù hợp, vừa với sức tiếp nhận và đặc biệt cần chú ý cách viết, phương pháp chuyển tải nội dung đó sao cho dễ hiểu và đặc biệt cần chú ý cách viết, phương pháp chuyển tải nội dung đó sao cho dễ hiểu và thấm thía đối với các đối tượng được giáo dục.
Giáo dục đạo đức – Giáo dục công dân không thể chỉ trút hết trách nhiệm cho môn học này; sứ mệnh ấy phải được tất cả các môn học, nhất là các môn khoa học xã hội và các hoạt động giáo dục trong nhà trường cùng chia sẻ và gánh vác. Chính vì thế, ngay từ thiết kế chương trình giáo dục công dân cần chú ý tích hợp giáo dục đạo đức – công dân vào tất cả các môn học và hoạt động một cách đúng mức, phù hợp.
Cần đổi mới cách đánh giá kết quả môn Đạo đức – GDCD theo định hướng phát triển năng lực, theo hướng coi trọng việc vận dụng những hiểu biết về đạo đức và pháp luật vào học tập và sinh hoạt hàng ngày; thông qua các hành vi, phép ứng xử, những cử chỉ việc làm cụ thể; chứ không chỉ nói lý thuyết suông, nhớ máy móc các điều luật hay quy định công cộng...
TS Nguyễn Thị Toan- Khoa Triết học, Trường ĐHSP Hà Nội
|
GDCD – Môn học quan trọng với học sinh các cấp |
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, sau năm 2015, GDCD sẽ là một trong bốn môn học bắt buộc ở cấp THPT. Để chuẩn bị cho tinh thần này, chương trình sách giáo khoa GDCD tất yếu phải đổi mới ở tất cả các cấp học cả về nội dung, kết cấu, thời lượng.
Về nội dung: Để khắc phục tình trạng quá tải trong chương trình, một số nội dung kiến thức nên chuyển lên bậc học cao hơn (hoặc tích hợp dần vào nội dung GDCD qua các bậc học) như: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế - chính trị Mác- Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học... Và một số nội dung cần có trong môn GDCD là: Giáo dục đạo đức; Giáo dục pháp luật; Giáo dục kỹ năng sống; Triết học...
Về cấu trúc: Để đảm bảo tính hệ thống kế thừa, phát triển liên tục, không trùng lặp, cần có một ban xây dựng chương trình từ bậc Tiểu học tới Đại học. Chương trình nên xây dựng theo đường xoáy ốc, xoay quanh 5 mối quan hệ: Bản thân; Gia đình; Nhà trường; Cộng đồng xã hội; Thiên nhiên và 3 nội dung giáo dục căn bản: Giáo dục đạo đức; Giáo dục pháp luật; Giáo dục kỹ năng sống. Các nội dung giáo dục được mở rộng và được nâng cao dần qua từng bậc học.
Th.S Nguyễn Thị Thu Hoài – ĐHQG Hà Nội:
Dựa trên việc khảo cứ kinh nghiệm của các quốc gia và những hạn chế của chương trình hiện hành, những biểu hiện bất cập trong hành vi và nhân cách của học sinh phổ thông nước ta hiện nay, nhằm đạt mục tiêu “cung cấp những kiến thức xã hội cần và đang thiếu chứ không phải những kiến thức hàn lâm, khô cứng” chương trình GDCD sau 2015 nên được xây dựng theo hướng: Nên dành nhiều thời lượng hơn cho việc giáo dục đạo đức cho học sinh như các nước đã làm, cắt bỏ những phần kiến thức không thiết thực với học sinh, những kiến thức trùng lặp liên môn. Kết cấu nội dung chương trình cần có sự thay đổi theo hướng tiếp cận xu thế phát triển thực tế của xã hội góp phần đào tạo học sinh thành những người lao động mới, hình thành ở học sinh những phẩm chất cần thiết của người công dân trong xã hội toàn cầu. Nội dung chương trình học tập phải gắn với thực tế cuộc sống, thiết thực và đảm bảo tính vừa sức với học sinh và dựa trên định hướng phát triển các năng lực của học sinh. Chương trình xây dựng dựa trên cơ sở các giá trị sống và kỹ năng sống, đảm bảo tính liên thông, thống nhất và phân cấp.
Mục tiêu mà môn GDCD cần phải đạt được là giáo dục tất cả những học sinh trở thành những công dân năng động và hiểu biết, thành người: Có đạo đức và thật thà; Nhận thức được sự đa dạng trong văn hóa, xã hội, tôn giáo, và hiểu được hệ thống chính quyền, lịch sử, văn hóa Việt Nam và quê hương mình; Hiểu và nhận thức giá trị văn hóa nơi mình đang sống và học tập. Làm việc, tư duy hướng tới những giá trị tốt đẹp, đặc biệt trong việc duy trì và cải thiện môi trường tự nhiên, xã hội; Có trách nhiệm với bản thân, gia đình và mọi người xung quanh; Tham gia hòa nhập với cộng đồng dựa trên giá trị và thái độ công dân.
Chương trình môn GDCD trên cơ sở kế thừa những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của chương trình hiện hành; đồng thời tiếp thu những tiến bộ của chương trình GDCD các nước, xây dựng một số nội dung kiến thức chuyên môn để mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện học sinh và mục tiêu dạy học của nhà trường nhằm trang bị cho học sinh cấp THPT những hiểu biết về các giá trị văn hóa, đạo đức, pháp luật, lối sống của con người Việt Nam nói chung và hình thành nên nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh, cung cấp một số vấn đề cần thiết của thời địa phù hợp nhận thức của lứa tuổi và gắn với cuộc sống thực tế của các em góp phần hình thành cho các em những kỹ năng chuyên biệt (Đặt câu hỏi và nghiên cứu; Phân tích và tổng hợp; Hợp tác giải quyết vấn đề và đi đến quyết định; Giao tiếp)...
Th.S Vũ Đình Bảy – Trường ĐHSP Huế:
Những bất cập của chương trình, SGK hiện hành cùng với sự vận động không ngừng của thực tiễn cuộc sống, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn GDCD là hết sức cần thiết và cấp bách. Để việc đổi mới chương trình, SGK GDCD giai đoạn sau 2015 đạt kết quả tốt, đáp ứng được kỳ vọng của các thế hệ học sinh, của đội ngũ giáo viên bộ môn cũng như của xã hội thì: Bộ GD&ĐT cần đưa ra được triết lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam hiện nay; Phải thống nhất, xác định lại nhận thức về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của môn GDCD ở trường phổ thông và có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt đi kèm để đưa môn học trở lại đúng vị trí, vai trò của nó trong nhà trường phổ thông. Nên thống nhất tên gọi, mục tiêu và cấu trúc chương trình môn GDCD từ Tiểu học đến THPT. Nên thực hiện chủ trương “Một chương trình – nhiều sách giáo khoa”...
Cần tăng thời lượng dành cho môn học GDCD và đưa môn học vào thi tốt nghiệp. Việc tăng cường thời lượng dành cho môn học vừa giúp giảm tải nội dung chương trình, vừa tạo điều kiện để học sinh có thời gian thực hành, rèn luyện các kỹ năng mềm liên quan đến môn học. Mặt khác, việc tăng thêm thời lượng cho môn học giúp giáo viên có thể theo dõi, hướng dẫn, uốn nắn và phối hợp hiệu quả với giáo viên chủ nhiệm để có những nhận xét đánh giá về quá trình rèn luyện của học sinh.
(Th.S Vũ Đình Bảy )
|