Nội dung bức thư gửi học trò nhân ngày khai giảng năm học mới 2012 - 2013 của GS.Văn Như Cương đã làm xúc động nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, cũng khiến không ít học sinh phải thực sự suy tư, trăn trở để sống tốt hơn, học tốt hơn – điều vô cùng đáng quý trong xã hội ngày nay.
Từ bức tâm thư đó, nghĩ tới diễn văn khai giảng. Hầu hết những bài diễn văn đọc trong lễ khai giảng ngày nay khiến cả phụ huynh và học sinh phiền lòng vì sự dài dòng, nặng về chủ trương, báo cáo thành tích - những thông tin có thể là quan trọng nhưng lại rất “kén” người nghe. Dường như, người viết diễn văn chưa thực sự định vị được đối tượng nghe là ai: những vị khách mời trang trọng hay những học sinh nhỏ bé, ngây thơ đang háo hức trước một môi trường mới, lạ lẫm? Vì thế, hầu hết ký ức của học sinh về ngày khai giảng không hề có chỗ cho những lời diễn văn, dù năm nào cũng được nghe một lần.
Tâm sự của nhiều phụ huynh cũng như giáo viên, lễ khai giảng đâu nhất thiết cần lời diễn văn dài dòng, càng không nên sáo rỗng, công thức. Chỉ cần người lớn hãy quên chúng ta đi mà hướng về phía học sinh. Người hiệu trưởng hãy bằng lời nói chân thành, tâm huyết tự đáy lòng để truyền đạt thông điệp cần thiết tới học sinh, đó là con đường dễ đi vào lòng người nhất. Cũng không nên bỏ qua sự lớn lên của các em vì mỗi cấp học là những lứa tuổi khác nhau. Nếu đã là lời tâm huyết thì mỗi năm sẽ khác, từ đó học sinh sẽ không nhàm chán. Với các em, sáo rỗng, công thức là thất bại.
|
Niềm vui ngày khai trường Ảnh: Thiên thanh |
GS.Văn Như Cương cho biết, mỗi lễ khai giảng, ông chỉ nói vài lời gửi gắm đến học trò. Điểm khác là, năm học này, ông ấp ủ một bức tâm thư, không phải gửi cho học trò mà cho các vị phụ huynh. Bức thư ấy muốn truyền tải những thông điệp rằng:
Xin các vị hãy bình tĩnh khi đánh giá con mình, đừng đánh giá con theo hai thái cực, hoặc con mình là nhất hoặc chẳng làm nên trò trống gì. Trẻ con đều có điểm mạnh, điểm yếu và nghệ thuật của bậc làm cha mẹ là khuyến khích điểm mạnh của con nhưng không tâng bốc; phải biết điểm yếu của con để khắc phục chứ không phải để vùi dập.
Các vị cũng nên để con biết lao động, đừng nuông chiều con quá, không nên giành làm hết mọi việc để con có thời giờ dùi mài kinh sử. Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ không chỉ lười lao động mà còn khinh thường người lao động.
Cũng đừng nuông chiều con theo kiểu đòi gì cũng được, con cái chúng ta được voi thì đòi tiên và đứa trẻ nhận được nhiều nhất thì lòng cảm ơn của nó lại giảm sút.
Hãy để trẻ con sống nhiều với thực tại, đừng sống với những ảo tưởng trên mạng; đứa trẻ phải biết nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn, tâm sự nhiều hơn và cha mẹ cũng vậy.
Cuối cùng là học thêm, nhà trường chúng tôi không tổ chức học thêm, học sinh nếu cho học thêm nhiều sẽ chỉ làm thiểu năng trí tuệ của các em.
Khi mỗi diễn văn khai giảng thực sự là một tâm thư xuất phát từ tấm lòng người thầy, thì ngày khai trường không chỉ thêm nhiều ý nghĩa mà còn là bài học bổ ích cho học sinh, học tri thức và học làm người.
Theo báo GD&TĐ - Hải Bình