• 03/09/2013 11:12 AM

    Rộn rã ngày tựu trường

    Khai giảng đã vượt qua khuôn khổ của một nghi lễ, để trở thành truyền thống đẹp đẽ, có sức sống mạnh mẽ và lan tỏa, là cột mốc đáng nhớ của mỗi con người. 

    Ngày vui nhất 

    Tưng bừng ngày tựu trường/Nguồn: Internet
    Tưng bừng ngày tựu trường/Nguồn: Internet

    Thời điểm này, các trường học trên khắp mọi miền đất nước, không khí chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới đã rộn rã. Cô giáo Chương Hồng Liên, Tổ trưởng tổ ngoại khóa, Trường Mầm non Bright School (Văn Quán, Hà Đông) cho biết, với trường, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng thường kéo dài từ dịp hè và tăng cường trong một tháng trước lễ khai giảng. 

    Với cô Liên, bên cạnh ý nghĩa một khởi đầu tốt đẹp cho năm học mới, lễ khai giảng còn là một kỷ niệm đẹp theo học sinh suốt cuộc đời. Là một “điểm nhấn” trong năm nên mọi người rất háo hức. Từ giáo viên lớp đến các giáo viên ngoại khóa đều nhiệt tình chuẩn bị. Các thầy cô tạo hình lên kế hoạch trang trí cho sân khấu rực rỡ theo đúng tinh thần tự túc “ngon - bổ - rẻ”. Cả nhóm phải tính luôn phương án dự phòng nếu trời nắng làm dưới sân trường hay trời mưa sẽ làm ở hội trường.

    Vất vả nhất là giáo viên bộ môn nghệ thuật. Các cô thanh nhạc được yêu cầu chọn bài sao cho có chủ đề mới, hấp dẫn, tiết tấu dễ và phù hợp từng độ tuổi. Ngoài khâu dạy bài hát, cô còn hướng dẫn “những chú vịt con” đi trên sân khấu như thế nào, bạn nào đứng trước, bạn nào hát chính. Còn cô giáo dạy múa sẽ dàn dựng bài, chọn lựa những bạn có năng khiếu, xếp đội hình. 

    Việc tập cho các bé sự tự tin đứng trên sân khấu và ghi nhớ bài biểu diễn là cả một quá trình. Cô giáo vừa động viên, khen ngợi, tâm tình, đôi lúc nghiêm khắc với các bé, thậm chí phải “dân vận” bố mẹ bé ủng hộ con. 

    Nhiều mùa khai giảng đã qua nhưng cô Liên vẫn nhớ mãi những câu chuyện đáng yêu khi các bạn nghệ sĩ nhí tập luyện. Có bạn đang cầm mic hát say sưa lại quay sang cười khanh khách cùng nhau trên sân khấu, làm cả hội trường cười theo. Có bé khi tập rất tự tin, nhưng lên sân khấu thì vừa múa vừa khóc. Sự cố đi “trật” đội hình, micro bị…cầm ngược là chuyện thường xuyên. Nhưng “căng” nhất là hết tiết mục rồi mà các bé lại hăng hái không chịu xuống, muốn nán lại trên sân khấu, sự cố này, cô giáo cũng…bó tay. 

    Các cô thường dặn gia đình tránh mặt bé trước khi biểu diễn để các bé không “quên nhiệm vụ” khóc đòi theo người thân, hoặc khi lên sân khấu lại chỉ chú ý đến gia đình. Tuy vất vả, nhưng sau mỗi buổi khai giảng, ngắm lại những tấm ảnh, video đẹp và ngộ nghĩnh của các con, các cô đều xúc động. Sau này, khi lớn lên, các con sẽ có được những kỷ niệm quý giá về ngày đầu tiên đi học. 

    x
    Vui tới trường     Ảnh: PHẠM NGỌC THẠCH

    Đừng quá khuôn sáo

    Chúng ta luôn mong muốn mỗi ngày khai giảng sẽ là dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời học sinh. Nhưng hiện nay, không ít trường, việc tổ chức khai giảng quá rườm rà, tốn kém hoặc năm nào cũng theo một kịch bản giống nhau khiến học sinh không còn chờ đón, mong ngóng thời khắc này.

    Cô Nguyễn Tường Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hà Thành (Hà Nội) cho rằng, hãy để ngày khai giảng trở về với đúng ý nghĩa đích thực của nó, đó là dành cho đối tượng học sinh chứ không phải dịp chúng ta tặng hoa, lấy lòng nhau. Năm nay, chúng tôi cố gắng tổ chức khai giảng thật cô đọng, xúc tích, giản dị nhưng vẫn trang nghiêm, có dư âm tốt đẹp giống như một dấu ba chấm mở ra để học sinh hưng phấn bước vào năm học mới, và dấu chấm than sẽ là lễ bế giảng.

    “Có thể bỏ qua fomat bình thường, đột phá một chút như cho tổ chức phần hội trước, phần lễ sau và phần lễ hãy thực sự ngắn gọn. Phần hội cũng rất đơn giản, hãy có cách để mỗi học sinh tự thể hiện mình bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa. Theo tôi, khai giảng chỉ nên tập trung vào múa hát, đừng quá tham để rồi “vỡ trận” và sẽ không có hoạt động này đọng lại trong đầu các em học sinh cả” – cô Lan cho hay. 

    Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng có kế hoạch cho ngày khai giảng đơn giản nhưng giàu cảm xúc. Theo đó, không nhiều nghi lễ rườm rà, ngày này sẽ hướng tới đối tượng chính là những học sinh mới vào trường. Cha hoặc mẹ các em cũng được mời đến trường để vui chung. Học sinh lớp lớn sẽ đứng vai trò người anh, dẫn từng học sinh mới vào lớp, trò chuyện, giao lưu, giải đáp những câu hỏi của học sinh về chuyện học, về trường... Các em cũng có thể vui ca hát, nhảy múa, bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu và tự tin hơn khi chính thức bước vào ngôi trường mới.q

    Theo báo GD&TĐ - Tuệ Minh