• 20/09/2013 02:02 PM

    Đã có nền móng vững chắc để đổi mới giáo dục

     Trong cuộc giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 17/9, cùng các thông tin bước đầu, khái quát về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan tới những vấn đề “nóng” của GD&ĐT như: Giảm tải chương trình, thu nhập giáo viên, mức đầu tư cho giáo dục, hình dung về Đề án đổi mới… 

     
    111
     Việt Nam đầu tư cho giáo dục với tỷ lệ chiếm 20% ngân sách của Nhà nước. 
     
    Kiến nghị đảm bảo mức chi cho từng nhà trường
     

    “Nhìn tổng thể trên phạm vi cả nước, những điều kiện cơ bản, tối thiểu đảm bảo chất lượng hoạt động của các nhà trường một cách bình thường chưa được đáp ứng. Nếu tình hình này không được cải thiện, các cơ sở giáo dục còn gặp nhiểu khó khăn mà tự mình không thể khắc phục được”

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

    Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân đầu tư cho giáo dục là rất lớn và ngày càng tăng. Điều này thể hiện rõ nét qua tỷ lệ đầu tư trong GDP, trong chi Ngân sách Nhà nước cũng như ngân sách gia đình và các nguồn khác. Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đầu tư cho giáo dục với tỷ lệ chiếm 20% ngân sách của Nhà nước. 

    Tuy nhiên, trong thực tế, do quy mô tổng sản phẩm và thu nhập quốc dân của Việt Nam còn nhỏ, nên số tiền đầu tư cho GD&ĐT nói chung với 22 triệu học sinh và 2 triệu thầy cô giáo là không lớn. Đặc biệt cần lưu ý, mức chi 20% này không phải chỉ cho Bộ GD&ĐT, mà còn đầu tư cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai dạy nghề cùng các hoạt động liên quan đến GD - ĐT, bồi dưỡng ngắn hạn cho cả các ngành khác.
     
    Nhìn ra các quốc gia khác, năm 2003, mức chi cho sinh viên đại học/năm so với mức thu nhập bình quân đầu người/năm ở khối các nước OEDC là 1,6 – 1,7; ở Mỹ: 2,9; Canada: 2,4; Hàn Quốc: 2,6; Đài Loan: 2,0; Nhật: 1,3; Trung Quốc: 0,8. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, mức chi (tất cả các nguồn) tối thiểu cho một sinh viên đại học/năm bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm thì mới có chất lượng. Hiện nay, mức chi bình quân này ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,5.
     
    Có thể thấy rằng 20% ngân sách đầu tư đó trên tổng thể vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để các hoạt động giáo dục và đào tạo đảm bảo chất lượng. 
     
    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong Đề án, Bộ GD&ĐT kiến nghị xin đảm bảo mức chi cho từng nhà trường. Hiện theo quy định, tỷ lệ chi số tiền được cấp cho các cơ sở giáo dục công lập (trường tiểu học, THCS, THPT) là 80/20, trong đó 80% chi cho lương giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; 20% dùng để đảm bảo chi cho các hoạt động của nhà trường, từ điện, nước, phấn, bảng, giấy mực… 
     
    Quy định này hiện nay không còn phù hợp. Có không ít nhà trường không đủ 20% kinh phí đảm bảo hoạt động, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương chiếm tới 90 – 95%. Thực tế nhiều địa phương đã phải thay đổi tỷ lệ chi, như ở Hà Nội là 70/30 đối với THPT, 75/25 đối với tiểu học và THCS. Hay thay đổi theo tỷ lệ 95/5; 98/2, tức là dành hầu như toàn bộ kinh phí được cấp để chi cho lương giáo viên, nhà trường không còn kinh phí để duy trì hoạt động bình thường của mình. Cá biệt một số địa phương còn nợ lương giáo viên. 
     
    Chung đường với các nền giáo dục phát triển
    Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” đề nghị thực hiện Kết luận của Hội nghị T.Ư 2, khóa 8, đó là lương của giáo viên được xếp ở bậc cao nhất - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

    Tới đây giáo dục sẽ đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình (nội dung, phương pháp, thi, kiểm tra, đánh giá); các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng; đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả Trung ương và địa phương, ở mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội...

    Việc đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có cơ sở khoa học.

    Đổi mới không có nghĩa làm lại tất cả, từ đầu mà củng cố, phát huy các thành tựu và điển hình đổi mới mà còn phải kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố tích cực mới...

    Việc giảm tải ở chương trình cũ Bộ GD&ĐT đã tiến hành trong mấy năm gần đây. Giống như một ngôi nhà, khi sửa chữa không tránh được nơi này nơi khác còn vết, còn dấu.

    Tuy nhiên, xã hội ghi nhận quyết tâm chính trị, tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe đóng góp của Bộ GD&ĐT trong vấn đề này. 

    Vị lãnh đạo ngành Giáo dục phân tích: Hiện ở Việt Nam, có môn khoa học nào thì nhà trường có môn học đó. Thế giới từ lâu đã không triển khai cách dạy - học, cách thiết kế chương trình như vậy. Bởi nếu thế, kiến thức học được sẽ là kinh điển, xa rời cuộc sống và luôn theo xu hướng tăng tải.
     
    Có thể hình dung với Đề án đổi mới, giáo dục Việt Nam sẽ không đi riêng một đường nữa mà đi chung con đường các nền giáo dục phổ biến, phát triển trên thế giới. Tích hợp nhiều môn học ở tuyến dưới để không chỉ dạy lý thuyết trên lớp mà còn thông qua sinh hoạt thực hành, phân hóa tự chọn ở tuyến trên, lựa chọn những kiến thức gần với cuộc sống, thiết thực, vừa phải với mức độ nhận thức của học sinh, thiết kế thành những môn học, chương trình học. Hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành công việc này. 
     
    Từ đây, việc kiểm tra, đánh giá, việc thi cử cũng sẽ thay đổi theo.
     
    Với các môn học như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật… thay vì dạy học sinh như chương trình sơ cấp của trường nghệ thuật, sẽ làm thế nào để hình thành thẩm mỹ, hình thành một công chúng văn học, công chúng nghệ thuật, công chúng âm nhạc lành mạnh. Trên nền tảng đó, học sinh nào có năng khiếu sẽ tiếp tục được bồi dưỡng. 
     
    Tinh thần của Đề án chính là thiết kế mới ở Việt Nam. Chúng ta tiếp thu phương pháp và vận dụng linh hoạt tinh hoa giáo dục thế giới vào thực tiễn của Việt Nam.
     
    11
    Mô hình, phương pháp giáo dục mới triển khai hiệu quả với các HS là người dân tộc.

    Đã có những nền tảng vững chắc

    Được biết, song song với việc xây dựng Đề án, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm các mô hình mới, thử nghiệm mới áp dụng đối với các cấp học từ mầm non, tiểu học tới THCS, THPT và đã đạt được kết quả khả quan. 
     
    Mô hình trường học mới (VNEN) và phương pháp dạy học mới “Bàn tay nặn bột” với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, áp dụng các thành tựu khoa học thế giới đã đổi mới được nhiều hoạt động trong nhà trường cả về nội dung, phương pháp và các sinh hoạt của giáo viên, học sinh. 
     
    Đáng mừng là mô hình, phương pháp giáo dục mới không chỉ thành công ở các trường điểm, trường chuyên mà còn triển khai hiệu quả cả ở vùng khó khăn, biên giới, cả với các học sinh là người dân tộc.
     
    Đây là cơ sở cho thấy khả năng nhân rộng những thử nghiệm này và cũng là nền tảng vững chắc để Bộ GD&ĐT cùng Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thiện Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong thời gian tới.
     
    Theo báo GD&TĐ - Gia Hân