• 07/10/2013 01:26 PM

    Các nhà giáo chia sẻ những kỷ niệm về thầy giáo Võ Nguyên Giáp

     Nhận được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhiều nhà giáo đã từng và đang công tác trong ngành Giáo dục vô cùng thương tiếc, đau buồn trước sự mất mát vô cùng to lớn trên. Họ cùng ôn lại những kỷ niệm về người thầy giáo, vị Đại tướng vô cùng đáng kính của dân tộc Việt Nam.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời là một tổn thất lớn cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam

    Đại tướng qua đời vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Đại tướng vừa bước qua tuổi 103.

    Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam với các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

    PGS. Văn Như Cương không nói nên lời, ông chỉ bảo rằng mặc dù thế nào cũng biết tin này nhưng chiều tối qua khi nghe tin vẫn cảm thấy sốc, bất ngờ về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và mặc dù có nhiều kỉ niệm nhưng trong phút này đây ông rất  bối rối không thể nói được thành lời.

    Nhà giáo Đinh Sĩ Đại - Cựu giáo viên trường Bưởi năm xưa - cũng bất ngờ với sự ra đi của Đại tướng. Thầy Đại chia sẻ rằng ngay trong trường Bưởi bây giờ nhiều thế hệ có vinh dự được chụp ảnh chung với Đại tướng: “Đây là một nhân vật huyền thoại, là một người thầy mẫu mực”.

    Còn GS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học - bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm với Đại tướng. Ông còn nhớ khi Đại tướng còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng đã quyết định thời đó phải hướng nghiệp cho học sinh, với mong muốn là các thế hệ học sinh trong quá trình học tập ở phổ thông phải xác định hướng của mình đi như thế nào, xác định hướng đi để có hiệu quả học tập, chọn được ngành nghề đúng thì mới có hăng hái học tập, và khi ra đời sẽ được sử dụng ngay.

    GS Trần Xuân Nhĩ xúc động: “Tôi nhận được tin này thấy vô cùng đau buồn, Đại tướng là người sau Bác Hồ được rất nhiều người quý trọng vì Đại tướng là người bắt đầu chỉ huy một đơn vị nhỏ mà giành chiến thắng trong mọi chiến dịch.

    Chiến  thắng Điện Biên Phủ ai cũng biết đến, tướng Giáp là một người cầm quân đánh giặc rất giỏi, rồi đến đánh Đế quốc Mỹ. Tướng Giáp là người cầm  quân ở hai thời kỳ đánh thắng hai Đế quốc đầu sỏ. Không những tôi mà từ sáng tới giờ nhiều người mặc dù chưa có tin chính thức nhưng thấy hết sức đau buồn. Vị tướng tài như vậy ra đi nhân dân Việt Nam rất đau buồn”.

    Ở riêng với nền giáo dục, GS Trần Xuân Nhĩ nói Đại tướng ra đi là một thiệt thòi rất lớn đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Chính Đại tướng là người đề xuất nên Hội Khuyến học Việt Nam, Đại tướng cũng là Chủ tịch danh dự của Hội. Định hướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thành lập Hội khuyến học là mỗi gia đình có một hội viên, gia đình nào cũng có học sinh đi học.

    Là nhà khoa học, TS Nguyễn Văn Khải những năm qua luôn đau đáu học, làm việc và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi biết được tin Đại tướng qua đời chiều qua TS Khải không cầm được nước mắt, niềm xúc động dâng trào, 5 giờ sáng ngày 5/10 ông đã dậy tháp hương kính cẩn vong linh Đại tướng tại nhà riêng.

    Chia sẻ thêm về tinh thần học tập của mình, TS Nguyễn Văn Khải cho biết, học tập phương pháp của Đại tướng là cứu  người nhưng phải cứu bằng phương pháp của mình, trong dạy học cũng vậy để có kiến thức ta phải dùng phương pháp của ta.

    “Đối với tôi, nếu như Đại tướng còn sống thì bác sẽ góp ý được rất nhiều điều trong việc chấn hưng nền giáo dục, trong việc xây dựng đất nước cũng vậy. Đối với tôi, Đại tướng mất là tổn thất cho một trí tuệ của những tinh hoa dân tộc Việt Nam, của thế giới.

    Trí tuệ ấy biến thành được những hành động cụ thể để giúp người Việt Nam giàu mạnh hơn, và tầm trí tuệ người Việt Nam được nâng lên. Không biết ai học Đại tướng không nhưng tôi là người học Đại  tướng, học được trí tuệ của Đại tướng” - TS Khải tự hào.

    Nói về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, TS. Nguyễn Văn Khải  buồn rầu: “Đại tướng đã nhiều tuổi, chuyện sinh, lão, bệnh, tử không ai tránh khỏi được. Mỗi một tướng lĩnh có một thời, không thể minh mẫn mãi được. Nếu nói về Khai quốc công thần thì Đại tướng là một người như thế. Đây là một trong ít những vị tướng tài của thế kỷ XX”.

    Trong cuộc đời làm khoa học và giảng dạy của mình, TS Nguyễn Văn Khải không bao giờ quên lời dạy và kỳ vọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho mình. Ông kể, những năm ngành Giáo dục thay đổi bảng viết cho học sinh, ông đến trường Thăng Long (nơi Đại tướng dạy học ngày xưa) để lắp bảng màu xanh không lóa cho học sinh học, hôm đó Đại tướng cũng đến là cho ý kiến. Đại tướng nói: “Ngày xưa tôi đi học là bảng đen phấn trắng, bây giờ trẻ con đi học bảng xanh không lóa vì ngày xưa chưa có tiến sĩ quang học”.

    Từ đó TS Khải luôn tâm niệm, mình phải giữ trọn lời hứa mà một người rất được nhiều người kính trọng nhắc nhở mình. TS Nguyễn Văn Khải cũng cho biết, hiện nay để trang bị kiến thức Vật lí thì không phải dập nguyên trong sách giáo khoa, không phải dập nguyên theo lời một vài người, mà phải dạy học sinh tùy theo từng hoàn cảnh mà học sinh có thể dễ nhớ nhất, dễ ứng trong cuộc sống nhất, đó là điều mà ông học được từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

    Theo báo GD&TĐ - theo Xuân Trung
    GDVN