• 20/10/2013 11:03 AM

    Phụ nữ vẹn toàn gia đình không cô đơn trên bước đường sự nghiệp

     Hiện nay, nữ nhà giáo chiếm đa số nhà giáo toàn ngành Giáo dục, đặc biệt, ở cấp học mầm non và tiểu học, phần lớn giáo viên là nữ. Lực lượng nữ nhà giáo đóng góp rất lớn vào việc thực hiện thành công những nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ làm cán bộ quản lý giáo dục còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của chị em.

    Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện cùng Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, được nghe bà chia sẻ về cơ chế chính sách đối với nữ nhà giáo, về khả năng vượt qua khó khăn và thách thức của họ hiện nay. 

    Cô giáo như mẹ hiền

    Thưa Thứ trưởng, để có được thành công hôm nay của ngành Giáo dục, không thể không kể đến vai trò của đội ngũ nữ nhà giáo. Theo bà, phụ nữ tham gia công tác giáo dục có những ưu thế và khó khăn gì?

    Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa
    Những đặc điểm về giới như cần cù, chịu khó, đồng cảm, thu phục lòng người, mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử.., đã giúp phụ nữ có nhiều ưu thế để thành công trong nghề dạy học.
     
    Đặc biệt đối với các cấp học mầm non, tiểu học, đó là những năm đầu đời của trẻ, chính sự dịu dàng, sự dạy dỗ, chăm sóc ân cần, chu đáo của cô giáo đã gieo vào tâm hồn trẻ những tình cảm gắn bó, yêu thương cô giáo, gần với hơi ấm gia đình. Cô giáo cũng yêu thương trẻ như con em của chính mình. 
     
    Là những “kỹ sư tâm hồn”, nhà giáo không chỉ truyền thụ tri thức mà còn dành tình yêu thương, sự vị tha đối với con trẻ. Đặc trưng nghề giáo thật gần với bản năng, thiên chức của nữ giới. Cô giáo từ xưa đến nay vẫn được ví như mẹ hiền, nên dù biết vất vả, nhọc nhằn nhưng nghề giáo vẫn luôn là nghề được nhiều phụ nữ chọn lựa và tự nguyện gắn bó suốt đời. 
     
    Tuy nhiên, chính thiên chức làm vợ, làm mẹ mà các cô cũng gặp những khó khăn trong công tác bởi “gánh nặng hai vai”. Họ vừa phải đảm bảo công việc ở trường, ở lớp, lại vừa chu toàn với gia đình, phải là hậu phương vững chắc, là người “giữ lửa” trong gia đình. Nữ nhà giáo phải luôn giải quyết bài toán khó là sắp xếp thời gian cho công việc và gia đình, làm sao để đôi bên đều vẹn toàn. 
     
    Thưa Thứ trưởng, phụ nữ trong gia đình được mệnh danh là “tay hòm chìa khóa” và hầu hết cánh mày râu đều tuyệt đối tin tưởng vào sự quản lý, chi tiêu, vun vén tài chính của người vợ, Vậy nhưng ở ngoài xã hội, tình trạng nữ làm công tác quản lý ít hơn nam lại được coi là chuyện bình thường. Là người đảm nhận vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo ngành Giáo dục, bà có cho rằng đây là “duyên phận” của phụ nữ không?
     
    Bình đẳng giới luôn là mục tiêu quan trọng và nhất quán được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo thực hiện. Chỉ thị số 37/CT-TW ngày 16/5/1994 của Ban bí thư khóa VII về "một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới" đã chỉ rõ: "Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là một yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ";
     
    Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, cũng đã đề ra các chỉ tiêu cần đạt về cán bộ nữ vào năm 2020;
     
    Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có mục tiêu "tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị", phụ nữ tham gia quản lý nhà nước là một đảm bảo để các vấn đề giới được phản ánh trong quá trình ra quyết định, là sự khẳng định về năng lực, trí tuệ của phụ nữ.
     
    Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ nữ đã tăng cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, còn thấp hơn so với nam giới và tỷ lệ nữ tham gia cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực, một số địa phương có chiều hướng giảm. Trong ngành Giáo dục của chúng ta, nữ chiếm 83%, nhưng tỷ lệ nữ làm cán bộ quản lý vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và công sức đóng góp của chị em. Đặc biệt càng lên cấp học cao, tỷ lệ nữ quản lý càng thấp. 
     
    Cần nhìn cả hai phía của vấn đề này. Về nguyên nhân khách quan, định kiến giới vẫn còn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội. Với truyền thống văn hóa Á Đông,  phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống, phụ nữ được trông đợi như một nhân lực chính để duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Chính điều này đã phần nào hạn chế sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.
     
    Một số cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các ngành nhận thức chưa đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ; Còn quá cầu toàn, khắt khe khi đánh giá cán bộ nữ, chưa thật sự tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, chưa mạnh dạn sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ nữ. Một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nữ, chưa tạo điều kiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh của cán bộ nữ.   
     
    Về nguyên nhân chủ quan, một số chị em còn tự ti, an phận, bằng lòng, không muốn phấn đấu vươn lên. Mặt khác, với thiên chức làm vợ, làm mẹ, một số chị em chưa được sự chia sẻ, cảm thông, động viên, sự ủng hộ của gia đình khi tham gia quản lý, chưa vượt qua những khó khăn đó để tham gia công tác quản lý... 
     
    Bởi vậy, để nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo, cần phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, các địa phương, cơ quan đơn vị, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phụ nữ, xem đó là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Chú trọng hơn nữa việc quy hoạch cán bộ nữ, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng.
     
    Cuối cùng, là cần khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của chị em.
     
    Nhà giáo nữ luôn tận tâm, tận lực gieo chữ trên mọi miền Tổ quốc

    Khi người nam làm lãnh đạo thì nhiều người cho là đương nhiên và tuân thủ, nhưng nữ làm lãnh đạo thì nhân viên nói chung lại đòi hỏi “sếp nữ” phải hơn họ mấy cái đầu họ mới phục. Chính bởi vậy, nhiều người chọn cách là cố gắng và quyết liệt hơn, nhưng có người lại chọn cách “lạt mềm buộc chặt”. Từ chính những gì đã trải nghiệm, Thứ trưởng nói gì về điều này?

    Phụ nữ khi làm quản lý, lãnh đạo sẽ gặp nhiều rào cản hơn nam giới, đó là một thực tế. 
     
    Tôi cũng đã làm quản lí khi cấp dưới lớn hơn tôi cả tuổi đời và tuổi nghề, thậm chí có người còn là thầy giáo của tôi. Với những gì đã trải nghiệm, tôi cho rằng, cán bộ quản lý, dù là phụ nữ hay nam giới, nếu lãnh đạo chỉ bằng mệnh lệnh là giải pháp ít thành công. Làm công tác quản lý muốn thành công chủ yếu nên bằng giải pháp thuyết phục, thuyết phục bằng chính trí tuệ và năng lực của mình, bằng sự gương mẫu trong công việc, trong lối sống.
     
    Trong quản lý, lãnh đạo rất cần sự quyết đoán, tuy nhiên cũng phải thật sự dân chủ, lắng nghe ý kiến của cấp dưới (kể cả các ý kiến trái chiều) trước khi đưa ra quyết định.
     
    Thứ ba, phải luôn động viên, chia sẻ, đặc biệt là tôn trọng, phát huy năng lực và thế mạnh của cấp dưới, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những điểm hạn chế của họ. Khi được lãnh đạo tôn trọng và tin tưởng, anh em sẽ phấn khởi, ủng hộ, làm việc hết mình vì cơ quan, đơn vị và vì thủ trưởng của mình.
     
    v
    Cô và trò Trường THPT DTNT Hà Giang hăng say trong giờ thực hành

    Hãy san sẻ gánh nặng với gia đình

    Phụ nữ làm lãnh đạo phải không ngừng học hỏi, trau dồi… cũng có nghĩa sẽ mất rất nhiều thời gian và tâm sức. Trong khi đó, phụ nữ lại “gánh nặng hai vai”, vậy để làm tròn cả hai vai như vậy liệu nữ cán bộ quản lý có phải hy sinh điều gì không, thưa Thứ trưởng?

    Cái khó của người phụ nữ đúng là ở “gánh nặng hai vai”. Ở cơ quan, người phụ nữ là lãnh đạo. Nhưng khi về nhà, người phụ nữ phải là người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ dịu dàng. 
     
    Nhiều phụ nữ đã thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Bởi, gia đình là hậu phương, là điểm tựa nên dù ở vị trí nào, làm công việc gì, người phụ nữ cũng phải là người “giữ lửa”. Nhất là với những nữ lãnh đạo, sẽ là sai lầm nếu luôn thể hiện uy quyền ngay trong ngôi nhà của mình.

    Là Thứ trưởng, đồng thời là Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Giáo dục, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thứ trưởng có mong muốn, gửi gắm, chia sẻ gì đến các đồng nghiệp nữ của mình?

    Chiếm hơn 83% số giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp, trong đó có hàng trăm GS, PGS, hàng ngàn TS, ThS, đội ngũ nữ nhà giáo là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của ngành.
     
    Với sự phát triển về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, hội tụ phẩm chất của nhà khoa học, nhà giáo và tấm lòng bao dung nhân hậu của phụ nữ Việt Nam, đội ngũ nữ nhà giáo đã đóng vai trò vô cùng quan trọng làm nên diện mạo của giáo dục nước nhà, mỗi bước phát triển của Ngành đều có sự đóng góp to lớn của đội ngũ nữ nhà giáo chúng ta.
     
    Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi xin chân thành cảm ơn và đánh giá cao sự đóng góp công sức, trí tuệ của chị em cho sự phát triển của Ngành trong thời gian qua. 
     
    Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin gửi tới các đồng nghiệp nữ lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục đang trong tiến trình đổi mới và hội nhập.

    Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện!

    Đối với các nữ cán bộ quản lý, sự thành công trong sự nghiệp không thể thiếu sự ủng hộ, sự cảm thông và chia sẻ của gia đình. Nếu không, ngoài việc khó hoàn thành trọng trách được giao còn có thể đối mặt với nỗi cô đơn đáng sợ. Tôi rất thích câu nói của cố Thủ tướng Anh MargaretThatcher: “Làm Thủ tướng rất cô độc... Nhưng với Denis, tôi không bao giờ cô đơn. Một người đàn ông tuyệt vời. Một người bạn tuyệt vời”.

    Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa

    Theo báo GD&TĐ - Gia Hân - Hiếu Nguyễn thực hiện