GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, việc xác định mối quan hệ giữa SGK của các môn học, giữa các phân môn của một môn học, giữa các bậc học, cấp học sẽ làm rõ hơn về chương trình đổi mới.
SGK giữa các môn học cần thể hiện mối quan hệ liên môn, quan hệ nội môn trong cả hệ thống giáo dục phổ thông (GDPT). Những mối quan hệ này đã trở thành nguyên tắc cơ bản của lí luận dạy học trong nhà trường hiện đại. Để thực hiện nguyên tắc này, trong việc xây dựng chương trình và soạn SGK thì cần chú ý đến các biện pháp như: Cần lập một ma trận hay một hệ thống bản đồ khái niệm phản ánh lộ trình phát triển các mạch khái niệm đa chiều giữa các môn học, giữa các cấp, bậc học và các khối lớp.
|
Sách giáo khao sẽ được đổi mới toàn diện sau 2015, nhiều người kì vọng đây sẽ là lần đổi mới từ chương trình tới nội dung được bền vững hơn. Ảnh minh họa Xuân Trung |
Vốn tri thức của mỗi con người là sự tích hợp các lĩnh vực khoa học cho nên nguyên tắc liên môn, liên lĩnh vực trong khoa học có ý nghĩa hình thành tri thức tích hợp cho học sinh. Vì vậy, dạy học tích hợp trở thành nguyên lí cơ bản của giáo dục hiện đại.
Chức năng nào cho SGK đổi mới?
Nhìn nhận vấn đề này GS. Đinh Quang Báo nói, SGK luôn luôn là công cụ của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. SGK chỉ phát huy hiệu quả khi cả hai đối tượng này đồng pha trong việc khai thác, sử dụng tiềm năng của nó để dạy học hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mà chương trình quy định.
Đối với giáo viên, SGK định hướng phân tích, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện tổ chức dạy học. Với học sinh, SGK là nguồn kiến thức chính để tra cứu, gia công trí tuệ dưới sự tổ chức của giáo viên, qua đó chiếm lĩnh tri thức khoa học.
Nhiệm vụ của giáo viên không chỉ là cung cấp kiến thức đã được soạn sẵn trong SGK mà phải xem thông tin ở sách là “mô hình tri thức tĩnh” để gia công sư phạm, biến nó thành “mô hình hoạt động – tư duy” để học sinh vừa chiếm được tri thức khoa học vừa học được phương pháp tìm tòi tri thức đó. Muốn vậy SGK cần được biên soạn theo định hướng:
“Thứ nhất, SGK phải có cấu trúc gồm hai phần, phần “bài viết” và phần “cơ chế sư phạm”, nghĩa là bao gồm cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp nhận thức. Phần bài viết là thông tin nội dung chủ yếu, tối ưu, cơ bản do chương trình quy định. Phần “cơ chế sư phạm” gồm các câu hỏi, bài tập, các kênh hình, bài đọc thêm, tài liệu tham khảo, các tư liệu, số liệu, sự kiện, minh chứng,… Các tình huống sư phạm, các bài tập sẽ được diễn đạt dưới các dạng đề án, các chủ đề, tiểu luận. Tóm lại phần cơ chế sư phạm là các hoạt động làm cho phần nội dung chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động.
Thứ hai, SGK vừa phải lựa chọn trình bày một số lượng nhất định các đơn vị kiến thức theo quy định của chương trình, vừa phải cố gắng làm bộc lộ các quá trình dẫn đến kiến thức khoa học với các phương pháp, cách thức tìm tòi, nghiên cứu, gia công trí tuệ” GS. Đinh Quang Báo nêu quan điểm.
|
GS. Đinh Quang Báo nói, SGK luôn luôn là công cụ của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Ảnh Xuân Trung |
Tóm lược lại vấn đề này, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, SGK phải được biên soạn đổi mới theo hướng thực hiện hai chức năng chính có quan hệ nhân – quả là chức năng thông tin và chức năng tổ chức quá trình sư phạm để góp phần vào việc triển khai hướng tiếp cận từ truyền đạt nội dung sang hình thành năng lực của học sinh.
Xác định được chức năng SGK đổi mới, theo GS. Đinh Quang Báo yêu cầu tác giả SGK phải có năng lực “hai trong một”, vì SGK vừa là nơi chứa đựng một khối lượng thông tin khoa học lớn, vừa là một kịch bản định hướng tổ chức các hoạt động dạy – học.
GS. Đinh Quang Báo cũng lo ngại, do SGK riêng biệt như ở một số nước khác trên thế giới, cho nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK. Phần lớn các tác giả phải tự rút kinh nghiệm qua tham gia nhiều đợt biên soạn SGK nên tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng còn hạn chế về tri thức giáo dục học. Đó là một khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta có biện pháp tổ chức nhân sự, bồi dưỡng trao đổi về những lí luận cơ bản về SGK và đặc biệt là có chế độ đãi ngộ, động viên xứng đáng về vật chất và tinh thần thì có thể khắc phục được nhược điểm đó.
Phác họa mô hình SGK tiếng Việt tiểu học sau 2015
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hình dung mô hình SGK tiếng Việt bậc tiểu học sẽ là mô hình giáo tiếp, mô hình này được phân tích từ các mô hình SGK dạy tiếng mẹ đẻ (tiếng phổ thông) hiện tại.
Vậy quan điểm sử dụng SGK theo hướng đổi mới sẽ như thế nào? GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, với mô hình giao tiếp SGK không còn mô phỏng con đường hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của con người nữa mà đặt học sinh vào những tình huống giao tiếp thật.
Cũng theo quan điểm của GS. Thuyết, thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao tiếp, người học buộc phải sử dụng ngôn ngữ để trình bày ý kiến của mình nên giáo viên sẽ đánh giá được nhu cầu về từ ngữ và cấu trúc để cung cấp cho người học thay vì áp đặt trước cho họ như các chương trình cấu trúc truyền thống. Bằng cách này, việc học ngôn ngữ trên lớp sẽ diễn ra giống với việc trẻ em học ngôn ngữ trong môi trường giao tiếp tự nhiên.
|
GS. Nguyễn Minh Thuyết hình dung mô hình SGK tiếng Việt bậc tiểu học sẽ là mô hình giáo tiếp. Ảnh Xuân Trung |
“Phương pháp dạy học này không dẫn học sinh đi từ kiến thức ngôn ngữ tường minh (nhờ các bài lí thuyết) đến việc sử dụng những kiến thức đó, mà hình thành dần kiến thức ngôn ngữ tiềm ẩn và kĩ năng sử dụng ngôn ngữ cho các em thông qua hoạt động giao tiếp để hoàn thành nhiệm vụ” GS. Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm.
Cũng theo đó, bộ SGK với mô hình giao tiếp sẽ được triển khai theo trục chủ điểm. Các chủ điểm cần được chọn sao cho gần gũi với học sinh tiểu học, cụ thể là phù hợp với tâm lí của các em và con đường khám phá thế giới của các em, qua đó phát triển nhận thức và kĩ năng giao tiếp cho các em. Hệ thống chủ điểm này cần đảm bảo tính logic nhưng không gò bó và sẽ trở đi trở lại ở các lớp khác nhau với những tên gọi khác nhau, càng lên lớp trên càng sâu sắc hơn.
Ứng với mỗi chủ điểm là một bài học với ba loại hoạt động như: Hoạt động chính sẽ bắt đầu bằng những kiến thức, kinh nghiệm học sinh đã biết; khuyến khích các em chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đó với bạn bè; đưa ra những tình huống mới để giúp học sinh hình thành kiến thức mới; củng cố những điều mới học được bằng một câu chuyện hoặc trò chơi.
Các hoạt động thực hành giúp học sinh củng cố kiến thức và phát triển kĩ năng mới học được. Các hoạt động ứng dụng giúp học sinh ứng dụng những điều đã học được vào việc giải quyết các tình huống nảy sinh trong đời sống hằng ngày ở nhà và ở cộng đồng. Sau mỗi bài học, SGK có một trắc nghiệm để học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình.
PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhận định, SGK phổ thông trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục SGK phổ thông cần đảm bảo 2 yêu cầu cơ bản với những tiêu chí cụ thể đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản này về hệ thống tri thức có tính hàn lâm và kiến thức kĩ năng phần.
|
PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào: Nguyên tắc tối thiểu quy định Chương trình - SGK cần đảm bảo: Tinh giản, đảm bảo kiến thức cơ bản, thiết yếu (cái không thể không có, không thừa, không thiếu). Ảnh Xuân Trung |
Bên cạnh đó, nguyên tắc phát triển, quy định Chương trình - SGK cần đảm bảo tính Lôgic phát triển của đối tượng (nội dung môn học); Lôgic phát triển tâm sinh lí và nhu cầu cuộc sống của HS. Nguyên tắc Chuẩn mực quy định Chương trình SGK cần đảm bảo: Nội dung các môn học đảm bảo chuẩn mực khoa học của các môn học; Đảm bảo chuẩn mực khoa học sư phạm.
Nguyên tắc tối thiểu quy định Chương trình - SGK cần đảm bảo: Tinh giản, đảm bảo kiến thức cơ bản, thiết yếu (cái không thể không có, không thừa, không thiếu). Đảm bảo tính hàn lâm (phần cứng), đồng thời đảm bảo phần mềm (phát triển phân hoá học sinh). Nguyên tắc tối thiểu cũng có thể gọi là nguyên tắc tối ưu, Chương trình - SGK sẽ không quá tải, không cào bằng, không thấp (đạt trình độ hiện đại).
“Theo 3 nguyên tắc này, GS. Hồ Ngọc Đại và các cộng sự của ông đã thành công trong nghiên cứu xây dựng Chương trình-SGK cấp tiểu học. Một ví dụ cụ thể có thể kể đến là SGK Tiếng Việt 1. Tiếng Việt 1 được xây dựng theo 3 nguyên tắc và đáp ứng được 2 yêu cầu cơ bản nêu trên. Sách đã được thử nghiệm kĩ lưỡng, quá trình đó cũng là quá trình hoàn thiện nên sách xuất bản 2013 là cuốn sách Tiếng Việt 1 tốt dành cho học sinh lớp 1 trên phạm vi cả nước, mở ra khả năng xây dựng bộ SGK tốt dành cho học sinh tiểu học”PGS. Nguyễn Kế Hào dẫn chứng.
"Tổ chức biên soạn SGK là công việc khoa học cần được xử lí đúng ngay từ khâu đầu, đó là việc lựa chọn các tập thể tác giả của mỗi cấp học theo những tiêu chí cụ thể được Bộ GD&ĐT đưa ra. Những tập thể tác giả được lựa chọn, được giao nhiệm vụ (chắc sẽ không nhiều) cần được đầu tư ban đầu và tạo điều kiện làm việc theo Hợp đồng với Bộ GD&ĐT. Quá trình làm việc của các tập thể tác giả cần được Bộ GD&ĐT giám sát, tạo điều kiện".
PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào.