• 04/11/2013 10:41 AM

    Sổ liên lạc điện tử: Tiện mà chưa lợi

     Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, các mạng thông tin điện tử phát triển. Do đó, nhiều đơn vị trường học, nhất là ở các thành phố lớn bỏ đi thói quen truyền thống dùng sổ liên lạc in sẵn mà thay thế bằng sổ liên lạc điện tử. Xét ở khía cạnh báo tin nhanh thì sổ liên lạc điện tử ưu việt hơn. Nhưng nhìn nhận ở góc độ kinh tế, khoản lệ phí mà các trường thu cho mục đích trên chưa khiến phụ huynh thật sự đồng tình.

    Đa tiện ích

    Việc quản lý tình hình học tập của con em được phụ huynh quan tâm

    Không thể phủ nhận rằng, kể từ khi có sổ liên lạc điện tử, mọi hoạt động thông tin về HS ở trường đến với phụ huynh được nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa GV, HS với phụ huynh trong việc quản lý việc học tập của các con ở trường học cũng như ở nhà.

    Chị Minh Thư, có con trai út đang học lớp 7 tại Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) và con trai lớn đang học lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Hai vợ chồng làm công nhân, phải làm ca, không có thời gian đưa đón cũng như quản lý con nhưng từ khi nhà trường sử dụng sổ liên lạc điện tử, anh chị rất yên tâm.

    Chỗ làm cách xa trường con vài chục cây số nhưng anh chị được trường nhắn tin điểm kiểm tra, điểm thi, tình hình học tập của con trên lớp, báo lịch thi... nên chủ động quản lý, đốc thúc con cái học hành. Đặc biệt, một lần con trai mải chơi Internet, bỏ tiết học đầu giờ buổi sáng, nhận được tin nhắn, người nhà của anh chị đã kịp thời tìm cháu từ quán nét đưa về trường học tiếp.

    Nhà bên Ngọc Lâm – Long Biên nhưng chị Song Bình chọn cho con học trường tận khu Mỹ Đình. Con đi học bằng xe tuyến, lại có sổ liên lạc điện tử liên kết nên chị hoàn toàn yên tâm gửi gắm con cho nhà trường. Chỉ cần con gái chị có dấu hiệu sốt, đau bụng hay mệt đều có nhân viên phòng y tế chăm sóc ban đầu. Và ngay lập tức nhà trường nhắn tin cho phụ huynh, do đó, phụ huynh kịp thời theo dõi cũng như quản lý việc con ốm ở trường.

    Theo ông Nguyễn Ngọc Cường - Trưởng phòng Khoa học công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội: Từ năm học 2006-2007, Sở đã khuyến khích các trường sử dụng sổ liên lạc điện tử, bằng nhiều hình thức như xây dựng trang web của trường, gửi tin qua email, tin nhắn.

    Cách làm này nhiều tiện ích, nhất là với HS tiểu học đang mải chơi, rất dễ quên lời cô giáo dặn dò trên lớp. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, mạng viễn thông trở nên ngày càng phổ biến, số người sử dụng thuê bao di động gia tăng nên việc triển khai sổ liên lạc điện tử vào trường học phát triển rộng rãi. 

    Việc nhận tin nhắn của GV, của trường từ điện thoại di động đã trở nên quen thuộc với nhiều bậc phụ huynh các tỉnh thành lớn. Tuy nhiên, việc triển khai loại hình này cũng chưa rộng khắp, nơi có, nơi không. Ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, việc thay thế sổ liên lạc điện tử cho sổ liên lạc in sẵn, ghi chép hàng ngày của HS có quận có, quận không, trường có, trường không. Qua thực tế, chủ yếu các quận nội thành và vùng ven sử dụng nhiều trong khi các huyện như Ba Vì, thị xã Sơn Tây không triển khai.Băn khoăn mức thu

    Ảnh minh họa

    Có thể thấy, sổ liên lạc điện tử đã trở thành phương tiện đa tiện ích. Nhà trường, GV và phụ huynh cùng hướng tới mục tiêu duy nhất đó là giúp cho việc học hành và chăm sóc HS tốt nhất. Song đôi khi dịch vụ này cũng mang đến những phiền toái nhất định.

    Việc tin nhắn nhầm điểm kiểm tra, điểm thi, mách tội của HS với phụ huynh cũng diễn ra khá phổ biến. Trong buổi họp phụ huynh, không ít GV chủ nhiệm phải xin lỗi phụ huynh bởi tin nhắn nhầm đáng tiếc, lỗi của HS hư lại nhắn sang điện thoại phụ huynh có con là HS ngoan, rồi điểm giỏi thành điểm thấp. Có phụ huynh phàn nàn: Hai con học cùng trường nhưng đa số tin nhắn của lớp không ghi cụ thể lớp nào, do đó cứ sau tin nhắn phụ huynh lại phải mất thời gian gọi điện cho phụ huynh ở một trong hai lớp của con để tường tận. 

    Nhưng có lẽ, băn khoăn lớn nhất của các bậc phụ huynh hiện nay đó là mức thu dịch vụ sổ liên lạc điện tử ở các trường, các quận ngay trong thành phố có sự chênh lệch lớn. Ở Hà Nội, qua tìm hiểu cho thấy, dù Sở GD&ĐT có ấn định mức trần không quá 40.000 đồng/HS/tháng nhưng nhiều nơi thu vượt khung hoặc bằng khung qui định, trong khi có đơn vị thu ở mức rất thấp, chỉ bằng 1/4 hoặc 1/3 so với khung trần đề ra của Sở.

    Như cùng ở quận Hoàn Kiếm, Trường THCS Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Du đã thu 50.000 đồng/HS/tháng; Trong khi đó, Trường THCS Thanh Quan là 40.000 đồng/tháng, còn 3 trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Lê Lợi thì chỉ thu ở mức 30.000 đ/tháng; Trường THCS Chương Dương lại không sử dụng sổ liên lạc điện tử...

    Có hai con cùng học THCS, mỗi tháng chị Ngọc Hà phải chi 100.000 đồng cho sổ liên lạc điện tử nhưng tính từ ngày 1/10 đến 23/10 tổng cộng mới nhận được 18 tin nhắn. Chị Hà cho biết thêm, đang dịp con chuẩn bị thi giữa kỳ nên mới nhận được nhiều tin nhắn như vậy chứ bình thường, tin nhắn rất ít, có tháng trường chỉ gửi 4 - 5 tin/HS.

    Nếu tính chi li, giá một tin nhắn quá cao, gấp nhiều chục lần so với sử dụng tin nhắn điện thoại di động (chỉ mất từ 300 - 500 đồng/mỗi tin). Bình quân 1 lớp 50 - 60 HS, với tổng số 40 - 45 lớp/trường học, chắc chắn tổng tiền dịch vụ cho sổ liên lạc điện tử sẽ là con số khủng, chênh quá nhiều lần so với giá trị thực một quyển sổ liên lạc ghi chép truyền thống.

    Trong khi đó, tại Thông báo của UBND thành phố Hà Nội ngày 15/8/2012 có ghi rõ dịch vụ này xếp vào mức thu thỏa thuận những khoản bắt buộc (gồm phục vụ bán trú, học 2 buổi/ngày, quần áo đồng phục, phù hiệu, vở học tập, sổ liên lạc...). Về khoản thu thỏa thuận, phụ huynh có quyền thỏa thuận giá, có quyền sử dụng hoặc từ chối nhưng thực tế, khi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đã đưa ra mức thu luôn, không có sự tham khảo ý kiến từ phụ huynh.

    Đã vậy, đa số các trường thu gộp luôn nửa năm học, cũng có trường hợp tiện thu luôn cả năm tiền dịch vụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên việc lạm thu của nhà trường và lạm chi của phụ huynh cứ vào dịp mỗi đầu năm học.

    Mặt khác, tuy Sở GD&ĐT đưa ra mức trần thu nhưng không ấn định giá chung cụ thể cho từng cấp bậc học, do đó mỗi trường một kiểu, mỗi quận làm theo cách hiểu của riêng mình. Trong khi nhiều nhà mạng, công ty cùng vào cuộc kinh doanh sổ liên lạc điện tử, mỗi nơi chào giá dịch vụ khác nhau. Thiết nghĩ, đây chỉ là khoản thu không lớn, nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ cũng sẽ gây bức xúc không nhỏ cho cha mẹ học sinh.

    Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường nếu thực hiện dịch vụ sổ liên lạc điện tử phải đảm bảo mức thu không quá 40.000 đồng/tháng.

    Theo báo GD&TĐ - Vũ Kiệt