|
Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên các nhà giáo trước phủ Chủ tịch |
Sáng 16/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật 104 nhà giáo có thành tích xuất sắc trên cả nước về Hà Nội dự Lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc 2008 - 2013 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng và Chủ tịch công đoàn Giáo dục Trần Công Phong dẫn đầu đoàn nhà giáo tiếp kiến Chủ tịch nước.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng báo cáo Chủ tịch nước: Trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực còn nhiều hạn hẹp, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng vững mạnh.
Nhiều thế hệ nhà giáo tâm huyết, tận tụy, yêu nghề và ngày càng trưởng thành trong giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ, kiên trì, thầm lặng cống hiến để góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng của sự nghiệp giáo dục nước nhà. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được tăng cường; chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều tiến bộ; hợp tác quốc tế được mở rộng; thực hiện giáo dục toàn dân, nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần giáo dục ý thức công dân, phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ con người Việt Nam.
Nhiều nhà giáo có phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi được giao nhiệm vụ làm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục; chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở trường học; cán bộ đoàn thanh niên; tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà trường và đơn vị; đi sâu đi sát thực tiễn, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, đoàn kết, tập hợp đội ngũ cán bộ, nhà giáo, viên chức và người lao động, thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng nghiêm túc nhìn nhận nền giáo dục nước ta còn nhiều khó khăn, hạn chế; một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý còn có những bất cập và yếu kém. Ngày 4/11 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 1 trong 9 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được Trung ương xác định là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tại buổi tiếp kiến, các nhà giáo đã báo cáo Chủ tịch nước những nỗ lực, cố gắng của bản thân, vượt qua khó khăn nêu gương sáng trong công tác dạy chữ, dạy người. Nhiều đại biểu kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chú trọng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà giáo, đặc biệt là ở các bậc học mầm non, đại học.
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sáng kiến của Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc; đồng thời lưu ý Bộ GD&ĐT làm sâu sắc nội dung các cuộc gặp gỡ, tổ chức rút kinh nghiệm việc dạy và học, phổ biến đến cả nước.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những thành tích phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ở bậc đại học của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành Giáo dục cũng còn những khiếm khuyết. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã xây dựng Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm tạo chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề nghị các nhà giáo tiếp tục phát huy truyền thống, đạt được những thành tích lớn lao trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng thời nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, ngoài đường lối đúng đắn, cần phải có nền giáo dục tương thích với mục tiêu cao cả. Nhìn ra các nước trên thế giới, không nước nào đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà có nền giáo dục yếu kém.
|
Theo báo GD&TĐ - Hiếu Nguyễn