• 06/12/2013 09:01 PM

    Từ kết quả PISA, Việt Nam sẽ cải tiến chất lượng giáo dục

    Bộ GD-ĐT vừa thông báo kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2012 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 3/12. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, kết quả PISA 2012 của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…

    Kỳ thi PISA đánh giá mặt bằng chung về chất lượng giáo dục của các quốc gia đối với học sinh lứa tuổi 15 trên mẫu dân số ở tất cả các loại hình trường (ảnh minh họa)
     

    Kết quả trên đã khiến dư luận trong nước và thế giới bất ngờ. Trong hai ngày nay, trên các báo, tạp chí, website và mạng xã hội, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh đã có những đánh giá, ý kiến, phản hồi khác nhau. Trong khi nhiều tổ chức, trường học, cá nhân khen ngợi và tự hào về nền giáo dục Việt Nam đã có sự tiến triển rõ ràng thì vẫn có những sự hoài nghi, ngờ vực về đánh giá của kỳ thi này. Cho dù ý kiến có như thế nào thì chúng ta cũng phải đi sâu tìm hiểu về kỳ thi PISA do OECD tổ chức và sự tác động của nó tới đông đảo dư luận xã hội.

    Theo bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), kỳ thi PISA được tổ chức 3 năm/lần, kết quả kỳ thi PISA 2012 do OECD vừa công bố là bất ngờ đối với những người làm công tác quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên và học sinh Việt Nam. 

    Theo OECD, có 2 chỉ số ảnh hưởng đến kết quả PISA của các nước là GDP (thu nhập bình quân trên đầu người) và HDI (chỉ số phát triển con người). Trong số các quốc gia và vùng kinh tế tham gia PISA 2012, chỉ số GDP của Việt Nam chỉ đạt 1.000 USD/người đứng thứ 69/70 nước và chỉ số HDI  đứng thứ 70/70. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam lại cao hơn các quốc gia/vùng lãnh thổ có chỉ số GDP, HĐI cao hơn.

    Bảng xếp hạng của các quốc gia và vùng kinh tế trong kỳ thi PISA

    Ban đầu khi mới tham gia PISA 2012, Việt Nam chỉ kỳ vọng kết quả khảo sát PISA sẽ không rơi vào top cuối. Trong quá trình tổ chức triển khai PISA, Việt Nam phán đoán là có thể đứng ở vị trí trung bình, không kỳ vọng là sẽ cao hơn các nước phát triển khác. Tuy nhiên, kết quả PISA 2012 do OECD vừa công bố rất bất ngờ, không chỉ đối với ngành giáo dục Việt Nam, mà còn với những nước có nền kinh tế phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Luxemburg… bởi kết quả của các nước này lại đứng sau Việt Nam.

    Kết quả của PISA 2012 đã tạo ra nhiều luồng dư luận trên thế giới. Nếu như những kỳ thi trước, nước Anh, Mỹ có kết quả thi PISA cao thì kỳ này lại thụt lùi, thấp hơn Việt Nam khá nhiều. Trong 4 chu kỳ trước, Phần Lan luôn ở vị trí dẫn đầu thì kỳ thi lần này đã bị tụt hạng.

    Nước Anh và Mỹ đều đã đánh giá, Việt Nam là tấm gương để hai nước này nhìn nhận và thay đổi lại nền giáo dục, sao cho chất lượng giảng dạy, học tập hiệu quả hơn. Đói nghèo không có nghĩa là kết quả giáo dục thấp. Việt Nam đã chứng minh cho các nước rằng, tuy nền kinh tế còn yếu kém nhưng có được một kết quả đáng tự hào. Nhiều nước coi Việt Nam như một hiện tượng, một “ngôi sao sáng” trên bầu trời giáo dục.

                
    Bà Lê Thị Mỹ Hà

    Tờ báo Washington Post của Mỹ đánh giá: “Đức, Ba Lan và Việt Nam nằm trong danh sách các nước có kết quả tiến bộ vượt bậc trong kỳ khảo sát của kỳ thi PISA vừa qua. Trong khi đó, Phần Lan – nước đã từng đứng đầu các kỳ trước, lại rớt xuống hạng thấp”.

    Tạp chí Scholastic của Mỹ nhìn nhận: “Hoa Kỳ dường như vẫn dậm chân tại chỗ trong khi các quốc gia khác đang tăng tốc nhanh chóng, cho thấy sự tiến bộ mạnh mẽ của mình như: Ba Lan, Đức, Ireland. Việt Nam – quốc gia tham dự PISA lần đầu tiên năm 2012, đã vượt lên ngoạn mục, nằm trong danh sách các nước có kết quả thi đứng đầu thế giới, làm lu mờ kết quả thi môn Toán và Khoa học của nước Mỹ, như báo trước nỗi sợ mang tên vệ tinh Sputnik đã từng có trong lịch sử, khiến các quan chức Mỹ cho rằng, quốc gia này đang đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình”.

    Nhiều người Việt Nam luôn cho rằng, nền kinh tế nước ta còn chậm phát triển so với nhiều nước. Tuy nhiên, Việt Nam luôn có những khát vọng để thay đổi mọi thứ, trong đó có giáo dục.  Kết quả PISA 2012 do OECD cung cấp đáng để chúng ta tự hào vì nền giáo dục đã có sự cải tiến. Tên tuổi của giáo dục Việt Nam đã được nhiều nước biết đến và ngưỡng mộ.

    Kết quả PISA phản ánh đúng thực chất nền giáo dục nước ta

    Để có kết quả PISA như trên, tất cả các cán bộ trong ngành giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh đã rất nỗ lực để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2012. 

    Năm 2009, Bộ GD-ĐT Việt Nam đã cân nhắc nhiều về việc có nên tham gia chương trình đánh giá này hay không. Bởi vì chúng ta sẽ bị áp lực rất nhiều từ dư luận xã hội và thế giới về kết quả đánh giá chất lượng giáo dục của quốc gia trên toàn thế giới.

    Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo từ năm 1997 và đến năm 2000 bắt đầu tổ chức kỳ thi, tập trung vào 3 lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán và Khoa học của học sinh ở lứa tuổi 15.
     

    Kết quả đánh giá của năm 2012 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore; đứng trên Pháp, Mỹ, Anh về cả 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu, Khoa học.

     

    Kết quả thi của Việt Nam khá cao trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới tham gia kỳ thi PISA 2012, đứng trong top 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm trung bình của OECD.

     

    Kỳ thi PISA được tổ chức định kỳ 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2000). Năm 2012 là lần đầu tiên Việt Nam tham gia.

    Cũng trong năm 2009, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký đơn gửi OECD xin cho Việt Nam tham gia PISA.

    Được tham gia Chương trình này không phải là điều dễ dàng bởi yêu cầu của OECD là nước, vùng kinh tế nào muốn tham dự thì đại diện Chính phủ nước và vùng kinh tế đó phải gửi đơn xin tham gia. Sau đó, OECD mới xét duyệt đơn của các nước, vùng  kinh tế và quyết định có đồng ý để nước và vùng kinh tế đó tham gia hay không.

    Khi ký đơn tham gia Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Chính phủ Việt Nam cũng như các nước khác phải cam kết là tham gia lâu dài. Bởi vì chương trình này theo dõi dữ liệu, sự phát triển giáo dục của các quốc gia trong suốt các chu kỳ. Thông qua kết quả của mỗi chu kỳ, OECD đưa ra những đánh giá, sự so sánh chất lượng giáo dục giữa các quốc gia với quốc tế, của chính quốc gia đó qua các chu kỳ, để từ đó có những khuyến nghị cũng như phân tích những mặt yếu kém để nước đó cải tiến chất lượng giáo dục

    Khi tổ chức triển khai chương trình đánh giá này, Bộ GD-ĐT đã động viên các trường, các học sinh được lựa chọn vào mẫu khảo sát hãy tham gia với tinh thần tích cực, trung thực vì thể diện quốc gia để kết quả khảo sát có thể phản ánh chân thực nhất kết quả học tập của các em. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT xây dựng các chính sách giáo dục phù hợp.

    Kỳ thi học sinh giỏi Olympic quốc tế là các nước chọn ra những học sinh giỏi nhất của một số môn để đưa đi thi nhằm phát hiện ra những học sinh có năng khiếu đặc biệt. Kết quả thi Olympic không đại diện cho chất lượng giáo dục chung.

    Còn đối với kỳ thi PISA lại khác, đó là đánh giá mặt bằng chung về chất lượng giáo dục của các quốc gia đối với học sinh lứa tuổi 15 trên mẫu dân số ở tất cả các loại hình trường, các cơ sở giáo dục như trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề… 

    OECD tổ chức kỳ thi này thông qua những yêu cầu về chính sách công, quá trình học tập suốt đời, kiến thức, kỹ năng của học sinh theo khung chuẩn chung do OECD xây dựng, không hề dựa vào chương trình giáo dục của một quốc gia nào. Thí sinh ở bất kỳ nước nào đều làm chung một bộ đề thi và kết quả kỳ thi được đưa vào thang đo chung.

    Kỳ thi PISA yêu cầu học sinh phải có những năng lực tổng hợp. Ngoài phần thi ở lĩnh vực Toán học (trọng tâm của PISA 2012), học sinh phải trải qua phần Đọc hiểu với những kỹ năng, hiểu biết về các văn bản hành chính, văn học nghệ thuật, văn bản khoa học, toán học.... Ở lĩnh vực khoa học, học sinh phải có những kiến thức tổng hợp để có thể sống ở ngoài đời.

    Nền giáo dục của một nước tập trung được vào những năng lực cơ bản đó và học sinh có thể đạt được những yêu cầu đề thi đề ra thì có thể đánh giá nền giáo dục của nước đó đã đảm bảo chất lượng, đáp ứng được năng lực chung của thế giới của chương trình giáo dục bắt buộc. Do đó, kết quả kỳ thi đã phản ánh chất lượng giáo dục của Việt Nam trong chu kỳ từ năm 2010-2012 một cách thực chất và khách quan.

    So với xuất phát điểm của Việt Nam về chỉ số GDP (69/70) và HDI (70/70), Việt Nam đã làm cho thế giới rất bất ngờ. Với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo của các gia đình, các nhà trường và học sinh chúng ta đã phát huy được truyền thống hiếu học của dân tộc, không chỉ đạt thành tựu về phát triển qui mô, số lượng mà còn đạt được chất lượng giáo dục phổ thông cơ bản thuộc tốp cao của thế giới.

    Từ kết quả PISA, Việt Nam sẽ cải tiến chất lượng giáo dục

    Kỳ thi PISA phản ánh chất lượng giáo dục của một quốc gia nên thông qua kỳ thi, OECD sẽ đánh giá những mặt mạnh và yếu kém của hệ thống giáo dục ở quốc gia đó.

    Tham gia kỳ thi PISA năm 2012, Việt Nam có 162 trường, thuộc 59 tỉnh thành, với 4959 học sinh tham gia thực tế. Các trường tham gia có đủ các loại hình trường: trường chuyên, trường THPT, THCS, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.

    Trong kỳ thi PISA 2012, học sinh Việt Nam có thế mạnh là trong tính toán, trả lời các câu hỏi mà đã có thông tin. Đây cũng là thế mạnh của học sinh Việt Nam.

    Khi công bố kết quả PISA, OECD đã có những khuyến nghị đối với các quốc gia để cải tiến và điều chỉnh chính sách giáo dục. Đề thi đã ra những câu hỏi, tình huống gắn với thực tiễn, yêu cầu học sinh phải có những kiến thức và kỹ năng để tính toán, giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Thế nhưng, có những tình huống rất xa lạ với học sinh Việt Nam, phù hợp với điều kiện phát triển của các nước OECD, nên học sinh chưa có kinh nghiệm trải qua để có thể trả lời chính xác câu hỏi. Ngoài ra, có những tình huống câu hỏi thể hiện quan điểm cá nhân yêu cầu có sự phân tích sâu, thuyết trình thuyết phục. Tuy nhiên, ở các trường học phần lớn chưa chú trọng đến yếu tố này nên học sinh Việt Nam không đạt được điểm cao ở những dạng câu hỏi này.

    Theo bà Lê Thị Mỹ Hà, để duy trì kết quả khi tham gia kỳ thi khảo sát PISA vào năm 2015, Việt Nam phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật để không xảy ra sai sót. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang có chủ trương đưa kết quả đánh giá của kỳ thi PISA vào cải tiến chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó chú trọng đến khả năng tư duy và lập luận của học sinh, gắn kiến thức học tập trong nhà trường vào giải quyết các vấn đề ngoài cuọc sống. Theo đó, trong các trường học, giáo viên sẽ phải nâng cao chất lượng giảng dạy một cách thực chất hơn. Đối với học sinh cũng phải chủ động, thay đổi cách thức học tập để có mặt bằng kiến thức tốt nhất ở các lĩnh vực.

    Nếu như năm 2012, đề thi PISA tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Toán học thì đến năm 2015, lĩnh vực tập trung chủ yếu là Khoa học, với những kiến thức theo kịp đời sống hiện đại, trong khi đó, chương trình giáo dục của Việt nam chưa có môn Khoa học. Đây cũng là thách thức đối với nước ta nên đòi hỏi từ giáo viên, học sinh phải nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất./.

    Theo VOV.VN