|
Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tươi tắn, tự tin trong ngày khai giảng |
Công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về giới và bình đẳng giới ngành Giáo dục trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ giúp phụ nữ khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong xã hội.
Cán bộ nữ khẳng định vị thế
Trong công tác quy hoạch cán bộ, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị quan tâm đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ; đặc biệt chú trọng tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Các đơn vị đã bố trí nữ cán bộ có đủ năng lực tham gia các vị trí lãnh đạo. Kết quả thấy rõ là trong tổng số 247 giám đốc, phó giám đốc Sở GD&ĐT có 61 cán bộ nữ, chiếm 25%, trong đó 3 người giữ vị trí giám đốc.
Tại 2 ĐHQG và các ĐH vùng, trường ĐH, CĐ, dự bị ĐH, trường hữu nghị trực thuộc Bộ GD&ĐT, có 26 cán bộ nữ đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trong tổng số 350 cán bộ lãnh đạo các trường. Ngoài ra, nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ trưởng, phó khoa, phòng, bộ môn và tương đương ở các trường ĐH, CĐ; trưởng, phó phòng giáo dục, phòng chuyên môn tại các Sở GD&ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông...
Nói riêng cơ quan đầu não ngành Giáo dục, cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo có 1 Thứ trưởng, 2 vụ trưởng, 12 phó vụ trưởng và tương đương, 9 trưởng phòng, 12 phó trưởng phòng... Có thể nói, kết quả đạt được của ngành Giáo dục trong những năm qua có phần đóng góp không hề nhỏ của cán bộ lãnh đạo là nữ.
Đặc biệt đáng ghi nhận là nỗ lực học tập, nâng cao trình độ của nữ cán bộ, giáo viên. Theo số liệu thống kê về đào tạo sau ĐH trong 5 năm (2006 – 2010), có tổng số 27.335 nữ thạc sĩ tốt nghiệp, chiếm 41,1%; 611 nữ tiến sĩ được cấp bằng, chiếm 22,47%. Số liệu này cho thấy thực tế đã vượt xa chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hành động (đến năm 2015, tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt ít nhất 40%, nữ tiến sĩ đạt ít nhất 20%).
Chính phủ cũng đã giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ để tăng nhanh tỷ lệ phụ nữ được đào tạo sau ĐH. Bộ GD&ĐT cho biết, sau thời gian nghiên cứu và sau khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, nội dung này dự kiến sẽ không ban hành quy định riêng mà sẽ được lồng ghép trong nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, đảm bảo có sự hỗ trợ hợp lý đối với nữ trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.
Trong 5 năm (2006 - 2010), có tổng số 27.335 nữ thạc sĩ tốt nghiệp, chiếm 41,1%; 611 nữ tiến sĩ được cấp bằng, chiếm 22,47%. Số liệu này cho thấy thực tế đã vượt xa chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hành động (đến năm 2015, tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt ít nhất 40%, nữ tiến sĩ đạt ít nhất 20%). |
Loại bỏ định kiến giới trong chương trình, SGK
Bộ GD&ĐT đã giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với các vụ chuyên môn rà soát và phân tích sách giáo khoa (SGK) dưới góc độ về giới cấp quốc gia.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác chung của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới, với sự hỗ trợ của Unesco, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, phân tích SGK tiểu học dưới góc độ về giới.
Đồng thời, lồng ghép giới và bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 nhằm loại bỏ định kiến giới và các hình ảnh bất bình đẳng giới trong các tài liệu.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn rà soát và phân tích SGK, trong đó có báo cáo kết quả nghiên cứu “Rà soát và phân tích SGK dưới góc độ về giới”. Báo cáo đã chỉ rõ sự hiện diện của nhiều định kiến về giới một cách rõ ràng hoặc ngấm ngầm trong các bài viết, tranh minh họa và các hoạt động học tập trong SGK cấp tiểu học. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp trong việc phân tích, rà soát SGK dưới góc độ giới nhằm loại bỏ hình ảnh, định kiến giới trong tài liệu giảng dạy.
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng đã phối hợp biên soạn và tổ chức thử nghiệm tài liệu “Các mô-đun tập huấn giáo viên nhấn mạnh các vấn đề về giới và nâng cao bình đẳng giới”, đồng thời, đưa tài liệu vào chương trình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, định kỳ.
Trong khuôn khổ Dự án phát triển giáo dục THCS II, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng đã nghiên cứu biên soạn 2 cuốn tài liệu “Cẩm nang nữ sinh trường THCS” và “Giáo dục giới cho học sinh THCS ở vùng dân tộc thiểu số”.
Năm 2013, hai cuốn tài liệu này đã được xuất bản và chuyển đến hơn 400 trường dân tộc nội trú trong cả nước để hướng dẫn giáo viên trong việc giáo dục giới cho học sinh THCS, giúp các em tự trang bị những kiến thức về bình đẳng giới. Đây cũng là tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý giáo dục trong việc thay đổi nhận thức và tăng cường bình đẳng giới trong công tác quản lý giáo dục.
Phương hướng công tác bình đẳng giới ngành Giáo dục
Công tác cán bộ nữ phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị, có sự đổi mới, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đảm bảo sự ổn định tương đối trong nhiệm vụ chính trị chung của ngành, đơn vị. Đồng thòi, có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho phụ nữ phấn đấu; tin tưởng và bố trí cán bộ nữ đúng vị trí, phù hợp với năng lực, phát huy đầy đủ năng lực của phụ nữể
Đẩy manh hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng; đồng thời, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thu hút nhà giáo, sinh viên học sinh nữ tham gia. Tiếp tục đa dạng hóa, đổi mới các hình thức tuyên truyền, đặc biệt triển khai các hình thức tuyên truyền thông qua Báo Giáo dục và Thời đại.
Tiếp tục triển khai các đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020” và Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, thực hiện tốt những chương trình phối họp với các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai nội dung giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái.
Tiếp tục rà soát để loại bỏ định kiến giới trong chương trình, SGK phổ thông, tài liệu giảng dạy ở các cấp học, trình độ đào tạo; rà soát những quy định về chính sách ưu đãi, khuyến khích trẻ em gái và phụ nữ trong giáo dục, chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia học các chương tình sau đại học, từng bước thu hẹp khoảng cách về học vấn giữa nam và nữ.
Đồng thời, tham mưu để đưa nội dung về bình đẳng giới vào chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục đại học nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới từ lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách đặc thù đổi với đối tượng lao động nữ làm công tác hành chính trong các cơ sở giáo dục. Có quy định cụ thể hơn về chế độ chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ.
Nghiên cứu để có giải pháp đối với thực tế hiện nay: cán bộ làm công tác VSTBPN đều là kiêm nhiệm, nhưng không được hưởng chế độ kiêm nhiệm, khối lượng công việc nhiều. Thành lập và thực hiện Quỹ hỗ trợ bình đẳng giới nhằm thực hiện tốt, hiệu quả hơn vấn đề bình đẳng giới ở các cấp.
|
Theo báo GD&TĐ - Hải Bình