• 14/01/2014 04:14 PM

    Tết nhà giáo: Quà nhỏ, niềm vui lớn

    Cô Hoàng Thị Thắm cùng học sinh trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Thanh Tùng

    Cô Hoàng Thị Thắm cùng học sinh trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Thanh Tùng

    GD&TĐ - Không có lương cao, thưởng nhiều như một số ngành nghề; Cũng chẳng có quà cáp, chúc tụng như nhiều giáo viên thành phố, song với những giáo viên vùng khó, cứ đến Tết là vui bởi ngoài dịp hè thì Tết là cơ hội hiếm hoi để đoàn tụ bên gia đình.

     
    Chẳng mong thưởng “khủng”

    Nếu như ở cơ quan, ngành nghề nào đó, cứ mỗi dịp Tết về, người lao động lại hồi hộp chờ ngóng xem năm nay lương thưởng dịp Tết ra sao, thưởng tăng hay giảm so với năm trước... thì với những người giáo viên vùng khó, dường như khái niệm ấy chẳng bao giờ xuất hiện.

    Thầy Phạm Xuân Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT A Túc, trường nằm ở vùng khó với hơn 25 giáo viên và 300 học sinh dân tộc Pa Cô, Vân Kiều của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nói: 

    Chẳng có gì mà chia, mà thưởng. Ngân sách cho giáo dục hàng năm về trường chỉ có ngần ấy, khoản nào vào khoản đó cả rồi. Trường vùng khó, lấy chi mà tăng với thưởng. 

    Giáo viên về nghỉ Tết chỉ mang theo niềm vui nhỏ của công đoàn nhà trường khi cố gắng lo cho mỗi anh em một gói quà là hạt dưa, mứt kẹo… có giá tương đương 200.000 đồng. 

    Từ Hiệu trưởng đến nhân viên bảo vệ đều như nhau hết. Lo được từng ấy, nhà trường cũng cố gắng hết sức rồi. Quà nhỏ, mang tính chất động viên tinh thần là chính.

    Quả thực, với giáo viên vùng khó thì Tết với họ đã vượt ra khỏi những tính toán lương thưởng bởi có đâu mà nghĩ, mà cân đong đo đếm. 

    Lo lắng nhất của họ khi về ăn Tết có chăng chỉ là nỗi lo đường sá, giao thông đi lại có thuận lợi, đi bằng phương tiện nào cho an toàn và về tới nhà sớm nhất. 

    Thầy giáo Trần Cương Quyết lên xã Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) công tác được 3 năm nay. Ba năm về nhà vào dịp Tết hay hè đều phải suy nghĩ và lên phương án từ sớm bởi nhà thầy Quyết ở tận Phú Thọ. 

    “Từ trường học chạy thẳng về nhà bằng xe máy phải đi hơn 300 km và mất 3 - 4 tiếng đồng hồ, còn đi tàu an toàn và đỡ mệt hơn nhưng lại mất mấy trăm ngàn tiền vé. 

    Vì vậy, nếu không nhờ được ai mua vé thì đích thân phải chạy xuống tận thành phố Lào Cai (cách trường tới 90 km) để mua loại vé vừa túi tiền chứ không thể chơi sang để mua loại vé nằm, đệm mềm như khách du lịch được chị ạ” – Thầy Quyết cho biết.

    Có thể thấy, với những thầy cô giáo đang công tác xa nhà từ tỉnh này sang tỉnh kia như thầy Quyết, và lại công tác ở một trường vùng núi cao, đường sá đi lại khó khăn như ở Mường Khương thì một năm họ cũng chỉ về quê đôi lần dịp hè và Tết. 

    Việc đi lại không chỉ tốn kém về thời gian mà tiền bạc cũng là cả một khoản cần suy nghĩ cân nhắc. Đi hết nhiều hay ít tiền thì giáo viên đang công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Gia Khâu cũng chỉ có thể thanh toán hỗ trợ cho giáo viên vào một dịp duy nhất là hè, còn lại giáo viên phải tự bỏ tiền túi chi trả. 

    Trong khi đó, số giáo viên lên dạy học ở trường thì không ít người đến từ các tỉnh xa như Phú Thọ, Hà Giang, có thầy nhà ở tận Sóc Sơn (Hà Nội) và phần còn lại ở Lào Cai nhưng cũng cách trường tới vài chục cây số. Nghỉ Tết hay hè với những giáo viên vùng khó Tả Gia Khâu cũng là một hành trình đầy vất vả theo nhiều nghĩa.

    “Lương mới vào nghề chưa cao, không có thưởng khủng ngày Tết... nhưng giáo viên ai chẳng vậy. 27 Tết em sẽ về Phú Thọ đón Tết với bố mẹ. 

    Mẹ chưa nhận tiền con trai đóng ăn Tết bao giờ vì biết em thanh niên phải tiêu nhiều mà lương cũng có hạn... Nhưng chắc chắn em sẽ mua vài món quà đặc sản của địa phương như tương ớt, thịt bò gác bếp... về biếu bố mẹ.”- Thầy Quyết chia sẻ.

    Ăn Tết với dân 

    Tết với giáo viên vùng khó không có khái niệm lương, thưởng “khủng”. Ảnh: Thanh Tùng 

    Với giáo viên vùng núi là vậy, còn những thầy cô giáo đang công tác nơi hải đảo xa xôi còn vất vả gấp trăm nghìn lần. Ngay cả khi đã nghỉ, đã chuẩn bị sẵn sàng ba lô quần áo về nhà đón Tết cùng gia đình nhưng thời tiết không ủng hộ thì các thầy cô cũng đành ngậm ngùi mà ở lại đảo đón Tết.

    Đang công tác tại Trường Mầm non Hoa phong ba thuộc huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), cô Hoàng Thị Thắm bùi ngùi tâm sự: “Nhọc nhằn lắm con đường về đất liền đón Tết với người thân. Từ đảo về đất liền em phải đi thuyền mất hơn 2 tiếng đồng hồ. 

    Mỗi lần ra vào là mỗi lần căng thẳng lo lắng cho an toàn tính mạng. Chúng em hay đi nhờ thuyền của dân hoặc của huyện Cồn Cỏ, thuyền không to nên hôm nào sóng lớn lại quật thuyền nghiêng ngả, sóng đánh tung lên cả tàu, người trên thuyền chao đảo, bụng dạ có gì lại cho ra hết. 

    Ngày mới về Cồn Cỏ công tác, mỗi lần về đất liền có việc chúng em sợ lắm. Nhưng nay nay đi riết thì cũng quen và đỡ sợ hơn. Thế nhưng cũng phải vào tới bờ thì mới an tâm mình còn sống. 

    Những ngày giáp Tết này, chúng em vẫn đón học sinh đến lớp tới cận ngày nghỉ 23 - 24 Tết, thậm chí cho tới khi nào dân trên đảo vào đất liền ăn Tết không gửi con nữa thì chúng em mới nghỉ.

    Thời điểm này lớp chỉ có 8 cháu với một cô, song còn một cháu cô vẫn trông và không nghỉ sớm ngày nào. 27 Tết chúng em nghỉ Tết và đúng mùng 5 – 6, chúng em phải có mặt trên đảo để đến đón các cháu trở lại học…”.

    Cô Thắm cũng cho biết đã công tác trên đảo Cồn cỏ 5 năm. Cách đây 2 năm, khi cô đã chuẩn bị sẵn sàng lên tàu để trở vào đất liền đón Tết thì thời tiết không ủng hộ. 

    Mưa to, gió lớn, tàu không thể khởi hành trong vài ngày. Vậy là cô phải ở lại đảo những ngày Tết. Một cảm giác vừa nhớ nhà vừa tủi thân trong ngày Tết thiêng liêng như bủa vây. 

    Giao thừa, cố dằn lòng không khóc để gọi điện về nhà chúc Tết gia đình, bố mẹ. Nhưng Tết năm ấy cũng trở thành kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời cô giáo trẻ đang dạy học trên đảo Cồn Cỏ. 

    Cô đã được đón Tết với những người lính hải quân công tác trên đảo, được sống trong tình cảm đùm bọc yêu thương của những người dân đảo không vào được đất liền đón Tết. 

    Sống và công tác trên đảo đã vài năm, không phải ai cũng có thể nhớ mặt biết tên hết song trong giờ phút thiêng liêng ấy, cô cảm thấy tất cả thật gần gũi gắn bó như trong một gia đình lớn. Tết xa gia đình, nhưng cô Thắm đã có cái Tết của tình quân dân ấm áp nơi đảo xa.

    Ai chẳng mong lương cao, thưởng nhiều khi cống hiến hết mình cho công việc. Song nghiệp giáo vẫn như vậy. Đằng sau những con chữ luôn là sự hy sinh thầm lặng từ vật chất tới tinh thần của các thầy cô giáo... Khó khăn về vật chất không thể thành rào cản với những thầy cô luôn tâm huyết, hết lòng với học trò, công việc.

    Theo báo GD&TĐ - Song Hà