• 26/01/2014 08:06 PM

    Những ngôi trường đón Xuân Đổi mới

     

    Niềm vui tới lớp

    Niềm vui tới lớp

    Cho tới bây giờ, khi đất trời miền Trung đã êm dịu trở lại để chuẩn bị vào Xuân, trong tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm giác của một “Xuân sớm” náo nức ở những ngôi trường nơi tôi đến.
    Đón chờ những thay đổi tích cực

    Mặc dù có hẹn gặp với PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, nhưng cuộc trao đổi của chúng tôi vẫn bị ngắt quãng nhiều lần bởi những cuộc điện thoại từ các nơi liên tục gọi tới, cũng như sự phát sinh công việc từ các phòng, ban của nhà trường.

    Tôi chia sẻ: “Làm giáo dục bây giờ thật vất vả! Lại đúng thời điểm ngành Giáo dục có nhiều cái khó…”. Vị phó giáo sư nở nụ cười bình thản: “ Mệt nhưng mà vui! Hôm qua anh em được “triệu tập” ra Hà Nội. Bộ trưởng vui lắm khi thông báo về Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, còn tạo được sự đồng tình, ủng hộ cao của xã hội. Vị trí của các trường sư phạm rồi đây cũng sẽ khác”. 

    Tôi thấu hiểu tâm trạng của PGS Nguyễn Thám, khi ông đã từng nhiều lần bày tỏ nỗi niềm trăn trở về những vấn đề nổi cộm trong cơ chế, chính sách đào tạo tuyển dụng giáo viên những năm qua. 

    Đây cũng là tâm tư của những người có tâm huyết, trách nhiệm với nguồn nhân lực tương lai của nước nhà. Lại nhớ tới câu nói của ai đó, “chỉ những người biết lo xa thì mới có cái nhìn gần”.

    Ở miền Trung còn có ngôi trường đào tạo sư phạm đầy sức trẻ năng động, đó là Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Dẫu trải qua bao mùa bão gió, có năm cả dãy phòng học bị tốc mái, vỡ kính, cây xanh bật gốc hàng loạt nhưng rồi ngôi trường vẫn là hiện thân của sức bật đổi mới hiếm có. 

    Khuôn viên, phòng thí nghiệm, thực hành, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng học, tất cả đều hiện đại, khang trang… Nhìn vào đó, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy dường như những gì tốt đẹp nhất ở nơi này đều dành cho những thầy, cô giáo tương lai.

    TS Nguyễn Hoàng Bảo Thanh - Hiệu trưởng - giấu niềm vui vừa được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, ông bày tỏ niềm hi vọng vào sự chuyển hướng tích cực trong đổi mới đào tạo sư phạm lần này, dưới ánh sáng của Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện.

    Không chung chung, trừu tượng, những dẫn chứng mà ông đưa ra khá cụ thể, thuyết phục. Đó là sự tăng cường năng lực nghề nghiệp giáo viên theo chuẩn giáo dục mà Bộ GD&ĐT ban hành. Trong nội dung chương trình đào tạo, chú ý bồi dưỡng cho SV sau khi xây dựng được kết quả theo hướng đổi mới của Bộ sau năm 2015 là: 

    Nghiêng về năng lực thực hành, giảm nhẹ kiến thức chuyên sâu, bỏ bớt kiến thức quá xa với thực tế. Chú ý bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng để sinh viên sư phạm khi soạn giáo án biết cách khai thác tài liệu, ứng dụng KHKT vào thực tế.

    Cùng đó, trong quá trình bồi dưỡng cho sinh viên hoạt động dạy học, biết cách tổ chức dạy học, vấn đề được các cán bộ quản lý của nhà trường đặt ra đối với giáo viên là phải làm thế nào để sinh viên tin tưởng, phấn khởi, tích cực tham gia vào hoạt động dạy học, chuyển quá trình dạy học thành quá trình tự học của sinh viên.

    Đó chỉ là một vài điển hình trong nhiều điển hình khác của những môi trường giáo dục đại học thời kỳ đổi mới, hội nhập.

    Mùa vàng từ những nhọc nhằn

    Trong trang viết Ký ức về một thế hệ vàng của tác giả Thái Lê nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xúc động tới lặng người khi bắt gặp tâm sự của cô giáo dạy Văn Nguyễn Thị Thu Miếu trước lúc phải rời xa bục giảng để về nghỉ hưu: 

    “Giờ đây, khi sắp phải chia xa với những giờ lên lớp, những lúc chấm bài vừa giận, vừa thương trước những câu văn ngớ ngẩn, những lúc bất lực đến đau đớn vì sau bao lời dặn dò mà sao cứ mãi cá biệt…

    Thì ra, những lo toan, bận rộn cả một cuộc đời gắn bó đã tưởng trở thành lẽ sống tự nhiên, những tưởng cất đi gánh nặng của giáo án, dự giờ, chấm bài… sẽ thấy thảnh thơi biết bao, ai ngờ rời bỏ những nhọc nhằn đã trở thành máu thịt quả là điều không dễ dàng”.

    Đa số những người thầy đều nặng ân tình như thế với nghề. Gặp gỡ các lãnh đạo, chuyên viên ngành Giáo dục huyện Điện Bàn (Quảng Nam), dường như chúng tôi ai cũng bị thu hút vào niềm say mê của họ khi trao đổi về những chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học. Lúc ấy, ít ai nhớ tới ngoài đồng lương còn rất khiêm tốn, họ không có được một khoản ưu đãi nào khác.

    Trên đoạn đường lộ ngang qua Điện Nam Trung (Điện Bàn), tôi bắt gặp ngôi trường THCS Võ Như Hưng còn in dấu vết tàn phá của cơn bão số 11 mới đây và cả dấu vết của sự sẵn sàng ứng phó với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. 

    Thế nhưng, bước vào bên trong, lại thấy một dòng cảm xúc khác, vui tươi tiếng cười nói, ấm áp tiếng giảng bài - như chưa hề có bão lũ đi qua. Lại thấy Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, GV bàn luận Dạy học tích cực; Dạy học hợp đồng; Tích hợp Giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; Giáo dục kỹ năng sống…

    Phải chăng, chính những ngôi trường đã góp phần đổi thay diện mạo của vùng đất cách đây chưa lâu còn “nổi tiếng” với câu ca: “Sáng ăn khoai đi ngủ, tối ăn củ đi nằm” này? Trường THCS Lê Ngọc Giá ở Điện Dương (Điện Bàn) là minh chứng rõ nét nhất cho sự hóa thân kỳ diệu của vùng đất khó.

    Chỉ cách đây 5 - 7 năm, giấc mơ tới trường của con trẻ ở vùng cồn cát ven biển chịu đói nghèo và hậu quả của chiến tranh này còn rất xa vời. Vậy mà hôm nay, vùng đất ấy đã hồi sinh rồi trở thành khu du lịch lớn, rồi đất hóa thành vàng. 

    Hiểu được giá trị của sự học, nhà nhà lại đưa con em tới lớp. Nhưng điều đáng nói hơn cả chính là sức trẻ của đội ngũ “trồng người” đầy năng động, nhiệt tâm.

    Dẫu chưa có được những dãy phòng cao tầng bề thế, nhưng hệ thống phòng chức năng, trang thiết bị CNTT, thư viện… của Trường THCS Lê Ngọc Giá đều hiện đại, đủ minh chứng cho sự đầu tư thiết thực, hiệu quả, tất cả vì một nền GD tiên tiến.

    Hiệu trưởng Trần Nghiệp say mê nói với chúng tôi về những bước đột phá chất lượng từ năm 2005 tới nay: Từ một ngôi trường chỉ biết vận động HS tới lớp, duy trì cho được sĩ số đã là khó, nay vươn lên đứng đầu toàn đoàn HS giỏi của huyện, lại có nhiều em thi đậu vào trường chuyên của tỉnh, đạt các giải cao trong nhiều loại hình hoạt động khác. Đó là kết quả của tình thương, trách nhiệm, của sự nỗ lực trau dồi năng lực từ đội ngũ thầy cô giáo.

    Theo Hiệu trưởng Trần Nghiệp, uy tín, chất lượng của ngôi trường là điều kiện tiên quyết của xã hội hóa giáo dục. Những hình ảnh trực quan đôi khi còn thuyết phục hơn cả những con số! Đó là khi chúng tôi bắt gặp ánh mắt học trò trong sáng long lanh trong một tiết học có tên gọi “Phát huy tính tích cực”. Lớp học như vui hơn hơn khi học trò chủ động trong những tiết chào cờ mang tên gọi “tự quản”…

    Ngoài kia nụ hoa mới đang hé nụ chờ gió xuân về mơn man. Nhưng trong mỗi lớp học, trong mỗi ngôi trường, mùa Xuân Đổi mới đã đến.

    Theo báo GD&TĐ - Nguyễn Thị Thúy Hồng