• 03/02/2014 08:04 AM

    Mùng Ba tết thầy

     

    Mùng Ba tết thầy

    “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”, câu nói dân gian đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam, thiêng liêng và ấm áp dẫu cuộc sống có bao đổi thay!

    Biết ơn vô hạn cô giáo người Nga

    Trải lòng của dịch giả Thúy Toàn, người bắc nhịp cầu văn học Việt - Nga vắt qua 2 thế kỷ, người giúp hàng ngàn bài thơ Nga đi vào lòng bạn đọc Việt Nam.

    Nơi tôi sinh ra - làng Phù Lưu (Chợ Dầu, Từ Sơn, Bắc Ninh) là vùng đất hiếu học, kính thầy. Mặc dù chỉ được ở làng đến độ tuổi lớp 2, lớp 3 rồi phải chạy tản cư, nhưng quãng thời gian tuổi thơ ngắn ngủi được ở làng, tôi vẫn nhớ như in sự chuẩn bị đầy kính cẩn của cha mẹ cho các anh tôi đến nhà thầy chúc thọ mỗi dịp Tết cổ truyền.

    Thời ấy, ngày Tết chúc thọ thầy, tấm lòng chỉ là đấu gạo nếp, cân cam tươi ngắt ở vườn nhà, sang hơn thì là con gà làm lễ, nhưng tâm lý mỗi người đều rất thành kính.

    Dịch giả Thúy Toàn 

    Rồi tản cư, tuổi thơ rong ruổi khắp nơi, sau đó ra nước ngoài học, tục lệ đẹp đẽ ấy tôi đã không còn được trực tiếp thấy nữa. Nhưng tôi may mắn gặp rất nhiều người thầy đáng nhớ, đáng trọng, những người mà cho đến tuổi này, cái tuổi quá thất thập cổ lai hy, tôi vẫn trân trọng nhớ về mỗi khi Tết đến, Xuân sang.

    Một trong những người thầy tôi yêu quí là cô giáo người Nga Sophia Leonhidvna. Không giống như nhiều người hình dung về những cô giáo người Nga đẫy đà, cô giáo tôi mảnh mai, xinh đẹp, mái tóc màu hạt dẻ óng ả, đôi mắt nâu to, dịu dàng. Cô phụ trách giáo vụ của cả nhóm 100 học sinh Việt Nam sang Nga học thời đó và trực tiếp chủ nhiệm lớp chúng tôi gồm khoảng 15 - 20 người.

    Thời đó, chúng tôi làm gì đã có sách giáo khoa, tiếng Nga cũng chỉ biết sơ sơ nên giai đoạn đầu khó khăn vô cùng. Cô trò dạy - học bằng cử chỉ và các giáo cụ trực quan. Tôi không hình dung nổi một cô giáo người nước ngoài lại dịu dàng, ân cần với học sinh từ những điều nhỏ nhất như thế.

    Ở Nga rất lạnh, nên mỗi tuần chúng tôi chỉ tắm một lần. Mỗi lần tắm, cả lớp kéo nhau lên xe ô tô ra nhà tắm công cộng, cô cũng đi cùng để hướng dẫn vì không an tâm trước những cậu trò “ngờ nghệch”. Thích nhất là mỗi lần được đến nhà cô chơi, lần nào chúng tôi cũng được cô trực tiếp nấu cho những món ăn ngon nhất. Với những học trò xa quê hương, thật tuyệt vời khi được tận hưởng không khí gia đình ấm áp như vậy.

    Tính đến ngày 11/2/2014, cô Sophia tròn 90 tuổi. Thật tình cờ, sinh nhật cô thường trùng thời điểm Việt Nam ăn Tết cổ truyền. Tuổi cao, nhưng cô vẫn dạy học, nghiên cứu và không năm nào cô trò không có những liên hệ qua lại, những cuộc điện thoại hỏi han. Có điều, ngày tết thầy mùng Ba, ngày luôn ở trong tiềm thức của tôi, tôi không thể đến thăm cô, do khoảng cách địa lý quá xa, rồi tuổi già sức yếu nhưng tình cảm biết ơn, sự tri ân thì không bao giờ vơi cạn.

    Không dạy chữ vẫn cả đời mang ơn

     GS.TSKH.NGND Phương Lựu

    Trong hồi ức của GS.TSKH.NGND Phương Lựu - Chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lý luận văn học, người thầy của bao thế hệ học trò dưới mái trường ĐHSP Hà Nội - ngoài hình ảnh người thầy đáng kính GS.NGND Lê Trí Viễn, GS Hoàng Tụy, còn có một người được gọi bằng cái tên thân mật “ông cai Thường”.

    Không có “ông cai Thường”, có khi tôi không được đến trường - Thầy Phương Lựu - mở đầu câu chuyện.

    6 tuổi, bắt đầu đi học trường tiểu học trong làng, tôi còn nhỏ thó. Bố mất sớm, anh đi học xa, mẹ lại phải đi làm nên không thể đưa tôi đến trường cách nhà khoảng gần 2 cây số. Đáng nói là đường đến trường cách bởi con mương, mỗi mùa mưa nước lên rất lớn, đã có người bị chết đuối ở đó.

    May là nhà tôi ngay gần nhà “ông cai Thường”. Gọi vậy vì ông làm mọi việc lặt vặt ở trường tiểu học, từ quét dọn, sửa chữa bàn ghế, trồng hoa, tưới cây. Chính ông là người mà mẹ gửi gắm đưa tôi “theo đuôi” đến trường hàng ngày.

    Tôi nhớ, lần nào đi làm, ông cũng mang theo những đồ lỉnh kỉnh. Mỗi lần đến con mương, nếu ít đồ, ông cõng tôi qua; nhiều đồ, ông kiếm cái dây thừng buộc quanh người tôi rồi cột một đầu dây vào thắt lưng ông. Ông đi trước, tôi lội theo sau, nước lớn cũng không sợ trôi. Cứ thế, tôi theo ông trong nhiều năm tiểu học.

    Tết năm nào cũng vậy, mẹ tôi chọn nải chuối to, đẹp nhất ở vườn nhà chuẩn bị làm lễ chúc tết “ông cai Thường”. Mẹ dặn tôi lấy bộ quần áo tươm tất nhất, chải đầu gọn gàng, sạch sẽ, mang theo nải chuối và chiếc mâm nhựa nhỏ. Đến cổng, tôi đội chiếc mâm đặt nải chuối lên đầu, đi vào nhà ông chúc Tết. Dù không trực tiếp dạy chữ, nhưng tôi coi ông là người thầy, cho đến giờ vẫn mang ơn.

    Chưa ai dạy hay như Thầy!

     

    Nhà văn Ma Văn Kháng 

    Nhắc về ngày mùng 3 Tết thầy, nhà văn Ma Văn Kháng ôn lại niềm vui sướng khi được làm học trò của thầy Nguyễn Lân, được thầy uốn nắn từ cách dùng từ, ngắt câu trong nói năng, viết lách.

    Tháng 5/2000, tôi đến thăm Thầy. Sau gần 50 năm kể từ ngày được học Thầy môn Tâm lý – Giáo dục ở Trường Sư phạm trung cấp khoa học xã hội ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), Thầy vẫn nhớ tôi. “Ông bây giờ đã là nhà văn nổi tiếng rồi nhỉ?”, tay bắt mặt mừng, thật bình đẳng, không chút cách bức. Thầy nói.

    Tôi ngượng ngùng thấy mình bé nhỏ như ông Carnot trong chuyện xưa về thăm thầy giáo cũ, rụt rè đáp: “Dạ, thưa thầy, đó cũng là nhờ cái lộc được học Thầy, được nhận từ Thầy cái phẩm tính trong sáng và nhiệt thành của một nhà văn từ thuở khơi nguồn nền văn xuôi hiện đại nước ta”.

    Thầy cười nhè nhẹ và rót nước mời tôi. Hai thầy trò ngồi trên một cái giường đơn gỗ mộc rải chiếc chiếu cói đã sờn. Một căn buồng nho nhỏ, cũ kỹ trong khu tập thể Kim Liên, nhà cửa thảy đã qua kỳ khấu hao. Một không gian yên tĩnh, thanh bình, dung dị, thanh bạch...

    Sống – với thầy tôi – là làm việc, là óc nghĩ, tay viết cho đến tận cùng của giọt dầu ngọn bấc. Từ tuổi 90 đến 95, là thời gian cặm cụi mỗi ngày để làm xong bộ Từ điển đồ sộ 2110 trang in. Trên thế gian này, hỏi có mấy người được như ông cụ! Người như thế đã thành thần tượng, thành huyền thoại của nhân gian rồi còn gì!

    Ơn thầy với vai diễn để đời

     

    NSƯT Nguyễn Thị Đức Lưu 

    NSƯT Nguyễn Thị Đức Lưu - người ghi tên vào lịch sử điện ảnh với vai Thị Nở trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”-  bồi hồi với ký ức Tết thầy.

    Mùng Ba Tết, tôi lại nhớ đến thầy Hoàng Như Mai với những bài giảng hào sảng, say sưa về văn học Việt Nam tại giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Văn ở Lê Thánh Tông (Hà Nội).

    Chính từ nơi đây, qua bài giảng của thầy, tôi gặp một Nam Cao với những nhân vật trong Sống mòn, Lão Hạc, Chí Phèo để rồi sau đó như là duyên là phận tôi vào vai Thị Nở. Có thể xem như là "để đời" trong cái nghề và nghiệp diễn viên điện ảnh của mình.

    Từ hơn 30 năm nay, nước ta có ngày 20/11 dành riêng cho các nhà giáo. Cả nước tri ân các thế hệ nhà giáo đã tất cả vì học sinh thân yêu.

    Và hơn thế còn để gìn giữ và nêu cao các giá trị tinh thần góp phần xây dựng truyền thống văn hiến của dân tộc. Song, với đông đảo con em dân nước Việt, vẫn còn đó phong tục tập quán là đạo lý muôn đời, để mỗi ngày Tết đến, lại nhớ đến công ơn thầy cô kính yêu.

    Thảo Đan