• 16/02/2014 06:56 PM

    Dạy học tích hợp – hấp dẫn như người lạ quen biết

     Dạy học tích hợp – hấp dẫn như người lạ quen biết

    Dạy học tích hợp tạo hứng thú học tập cho học sinh 

    Trong khi hầu hết các giáo viên đều khẳng định dạy học tích hợp là một hướng đi tích cực của đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng thêm tính hiệu quả trong giáo dục thì có người lại cho rằng, tích hợp gây ra hiện tượng quá tải, và nội dung chính của môn học có thể bị biến đổi, trở thành nội dung phụ. Điều này cho thấy xã hội còn rất thiếu thông tin. Xin được làm sáng tỏ vấn đề từ thực tế vận dụng dạy học tích hợp của GV trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT. 

     Bản chất của tích hợp là phong phú và logic

    Tích hợp là một trong những xu thế dạy học hiện đại đang được quan tâm nghiên cứu và áp dụng vào nhà trường ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây. Qua việc tích hợp của GV trong một tiết lên lớp, học sinh được rèn luyện thói quen tư duy, nhận thức vấn đề một cách có hệ thống và lôgic. Qua đó, học sinh cũng thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các kiến thức được học trong chương trình.

    Hầu hết GV các trường đều thừa nhận những ưu thế của dạy học tích hợp. Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TPHCM thì: “Dạy tích hợp là dạy học  theo hình thức đa môn hoặc liên môn, đưa nhiều nội dung trong cùng một hoạt động nào đó… giúp HS nắm bắt tốt kiến thức, hiểu được mối liên hệ then chốt giữa các thành tố trong cùng một lĩnh vực”. 

    Từ thực tế giảng dạy, các giáo viên cũng đã nhận thức được nhiều bộ môn được yêu cầu dạy học tích hợp đã tăng thêm tính hiệu quả trong giáo dục như môn Ngữ văn, môn Sinh học, môn Vật lý, môn Công nghệ, môn Địa lý hay môn Lịch sử. 

    Thầy Dương Văn Trai, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, Đồng Hới, Quảng Bình nêu ví dụ:  Khi giảng dạy Lịch sử có thể tích hợp được kiến thức môn Địa lý, văn học, sử dụng những quan điểm, nhận định của các lãnh tụ, triết gia, tướng lĩnh… và học sinh tỏ ra rất hào hứng học tập.

    Theo cô giáo Trần Thị Hồng Hải, Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn của Trường THPT Đakrông, Quảng Trị, trong chương trình Ngữ văn THCS, GV có thể tích hợp giáo dục kĩ năng sống, giáo dục môi trường, tư tưởng Hồ Chí Minh vào các bài học cụ thể không kể phân môn Giảng văn, Tập làm văn hay Tiếng việt.

    Ngay cả với môn Toán, một môn học còn có số ít trường  triển khai dạy tích hợp, thầy giáo Phạm Kim Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn Toán - Lý cũng cho rằng, không mấy khó khăn để không thể dạy tích hợp. Bản thân mỗi một môn học cũng như quá trình thực hiện các bước đều có thể vận dụng tích hợp. 

    Như vậy, những ai cho rằng, dạy tích hợp đưa đến sự quá tải là thiếu hiểu biết về nguyên tắc tích hợp. Tích hợp không những không đưa tới sự quá tải về dung lượng kiến thức, mà còn làm cho bài giảng sinh động, học sinh hứng thú học tập bộ môn và khắc sâu hơn được nội dung bài học nếu GV biết vận dụng đúng lúc, đúng chỗ.

    Thực tiễn dạy học - minh chứng sinh động

    Có nhiều hình thức tích hợp: Kiểu tích hợp giữa các phân môn trong cùng một bộ môn (chẳng hạn ở môn Ngữ văn có Văn - Tiếng Việt -Tập làm văn). Điều này thể hiện trong việc bố trí các bài học giữa các phân môn một cách đồng bộ và sự liên kết với nhau trên nhiều mặt nhằm hỗ trợ nhau, bổ sung làm nổi bật cho nhau. Phân môn này sẽ củng cố, hệ thống hóa lại kiến thức cho phân môn khác. 

    Hình thức tích hợp phổ biến nhất được các GV vận dụng và hiện đang được đẩy mạnh là tích hợp liên môn.  

    Đây là quan điểm tích hợp mở rộng kiến thức trong bài học với các kiến thức của các bộ môn khác, các  ngành khoa học, nghệ thuật khác, cũng như các kiến thức đời sống mà học sinh tích lũy được từ cuộc sống cộng đồng, qua đó làm giàu thêm vốn hiểu biết và phát triển nhân cách cho học sinh.

    Cô giáo Nguyễn Thị Trang Nhung – Trường THPT Phan Châu Trinh – Quảng Trị cũng đã có những tích hợp hay trong quá trình đưa những bài học đi vào đời sống một cách thiết thực trong bộ môn Sinh học.

    Ví dụ khi dạy bài “Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật” trong chương trình Sinh học 12, trong phần VII  (Tăng trưởng ở quần thể người) giáo viên đã tích hợp về sự gia tăng dân số.

    Sự tăng dân số là nguyên nhân chính tạo ra sức nặng về cung cấp nguồn sống, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sống. Từ đó cũng giáo dục học sinh hướng tới tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ môi trường sống. 

    Trong chương trình Địa lý, lớp 10 có rất nhiều bài có thể tích hợp hay, ví dụ như bài 37 “Địa lí các ngành giao thông vận tải”  các mục: Đường sắt, Đường ô tô, Đường sông, hồ, Đường biển, Đường hàng không đều có thể tích hợp giáo dục về môi trường.

    Qua bài học GV giúp HS hiểu rằng ngành giao thông vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu (đặc biệt là dầu mỏ) sẽ  xả vào không khí lượng khí thải lớn gây ô nhiễm môi trường, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia.

    Bên cạnh đó giáo dục HS cố gắng học tập, nghiên cứu, ủng hộ  việc sản xuất ra các loại nhiên liệu mới, sử dụng năng lượng mặt trời; sản xuất các phương tiện giao thông vận tải sử dụng ít nhiên liệu là điều cần thiết. 

    Nội dung tích hợp GD sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được đặt ra trong những bài học của môn Công nghệ lớp 11 qua rất nhiều bài như bài 15 (Vật liệu cơ khí), bài 27 (Hệ thống cung cấp nhiên liệu và không khí trong động cơ xăng) và lớp 12 như bài 22 (Hệ thống điện quốc gia), bài 23 (Mạch điện xoay chiều ba pha).

    Nhiều GV Vật lý cho rằng môn học này cũng là một bộ môn có thể dạy học tích hợp tốt trong việc giáo dục HS sử dụng tiết kiệm năng lượng có hiệu quả, từ đó GD bảo vệ môi trường sống.  

    Ví dụ như khi dạy phần 2 “Máy lạnh” của bài 60 “Nguyên tắc hoạt động của động cơ nhiệt và máy lạnh”  cũng đã tích hợp tiết kiệm năng lượng khi sử dụng tủ lạnh, máy lạnh. Hay bài 2 “Vận tốc trong chuyển động thẳng. Chuyển động thẳng đều” ở mục 5 “Chuyển động thẳng đều” sử dụng năng lượng tiết kiệm khi đi xe máy. 

    Còn rất nhiều ví dụ khác để có thể khẳng định, mỗi  GV chỉ cần chịu khó trau dồi kiến thức, nghiên cứu kỹ bài dạy đều có thể tự tin khi dạy học tích hợp. Có thể ví tích hợp như người lạ quen biết.  Mới nghe thì tưởng là khó; bước đầu vận dụng có phần lúng túng, nhưng khi đã quen sẽ thấy được sự cần thiết phải tích hợp. 

    Theo báo GD&TĐ - Nguyễn Thị Thúy Hồng