• 21/02/2014 08:32 AM

    Để đổi mới, mỗi GV - CBQL phải ý thức và điều chỉnh mình

     Để đổi mới, mỗi GV - CBQL phải ý thức và điều chỉnh mình

     

    GD&TĐ - Sáng nay (20/2), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Trường ĐH Sư phạm TPHCM về công tác đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT theo Nghị quyết 29. 

    Mọi điều kiện cho đổi mới đã sẵn sàng

    Trong hàng chục ý kiến đóng góp về công tác đổi mới, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên đa dạng hóa các loại hình trường phổ thông để hướng đến việc học sinh nào cũng có thể học tốt chương trình (phù hợp với năng lực). 

    Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Mọi điều kiện cho công cuộc đổi mới đã sẵn sàng. Giờ là lúc chúng ta quyết liệt thực hiện, quyết tâm cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp bằng việc tập hợp trí tuệ ưu việt của toàn Ngành, toàn dân.

    Bộ trưởng lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp từ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình SGK, công tác đào tạo đội ngũ giáo viên THPT, tích hợp chương trình theo hướng kỹ năng cho đến sự cần thiết của công tác đào tạo và tập huấn lại cho đội ngũ GV tại các trường phổ thông…

    Nhà giáo Tống Xuân Tám cho rằng: Bộ cần mạnh dạn cho các trường ĐH Sư phạm xét tuyển trực tiếp từ các trường phổ thông, cũng như có một đánh giá toàn diện (giọng nói, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm) đối với GV mới ra trường; Đồng thời tinh giảm tối đa những kiến thức phổ thông không cần thiết để tăng cường lồng ghép, tích hợp phương pháp dạy học theo hướng thực tế.

    PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng để đổi mới cần thay đổi về tư duy quản lý. Thay vì quản lý có trọng điểm đầu ra thì nên tăng cường công tác hậu kiểm, đánh giá trong và công tác đánh giá ngoài.Trong cơ chế quản lý, Bộ GD&ĐT nên xem xét về cấu trúc trong thực tiễn giáo dục.

    Việc định hướng đào tạo cũng cần hết sức lưu tâm, bởi theo PGS Sơn, việc xây dựng đào tạo SV theo nhóm năng lực cùng các hệ kỹ năng phải là ưu tiên trong đổi mới. 

    Trong đó, việc nâng cao thực tiễn giáo dục phổ thông cho giảng viên là hết sức quan trọng. Vì việc yêu cầu đào tạo GV theo hướng kỹ năng đòi hỏi người thầy phải giỏi các kỹ năng dạy tích hợp, phân tích học sinh…

    Bà Phương Hiếu - đại diện Ban quản lý dự án của trườn -  nêu ý kiến: Việc đổi mới cần tập trung vào đội ngũ GV, công tác đào tạo GV. Công tác đào tạo và tập huấn lại cho đội ngũ GV một cách dài hơi, có chiến lược là điều kiện tiên quyết cho lộ trình đổi mới. Theo đó, công tác tập huấn cần thực hiện chuyên sâu, có lực lượng tham gia giám sát và hỗ trợ.

    PGS.TS Bùi Mạnh Hoàng cho rằng: Cần sớm xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, đảm bảo chất lượng. 

    Tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa vai trò của trường trung học thực hành. 

    Gắn kết và tăng cường trao đổi mạnh mẽ hơn nữa giữa trường ĐH Sư phạm với các trường THPT, Sở GD&ĐT địa phương trong quá trình tuyển chọn, định hướng học sinh theo nghề giáo viên…

    Trong hàng chục ý kiến đóng góp về công tác đổi mới, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên đa dạng hóa các loại hình trường phổ thông để hướng đến việc học sinh nào cũng có thể học tốt chương trình (phù hợp với năng lực).

    Bộ cũng cần quy hoạch lại các trường sư phạm, sớm đưa bộ môn phát triển chương trình vào tất cả các môn học nhằm giúp GV (khi học tại trường ĐH Sư phạm) sớm rèn luyện được tính sáng tạo, chủ động thiết kế chương trình, đa dạng hóa việc dạy kỹ năng sâu hơn cho học sinh.

    Trước mắt, Bộ nên quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật nghiêm túc để việc đánh giá quá trình học tập của học sinh được chính xác.

    Quang cảnh buổi làm việc 

    Cần sự chủ động và quyết liệt từ mỗi cá nhân

     

    Việc Bộ GD&ĐT “mở” và giao gần như tuyệt đối mọi việc cho các trường chính là điều kiện để các trường chủ động thực hiện việc đổi mới.   

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận những ý kiến đóng góp của các CBQL, GV nhà trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý về sự chủ động từ tự thân mỗi GV, CBQL trong công cuộc đổi mới. 

    Bộ trưởng nhấn mạnh: Để thay đổi một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục, tự thân mỗi GV, CBQL phải ý thức và điều chỉnh mình.

    Trường ĐH Sư phạm không chỉ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới (đào tạo GV, tham gia đổi mới chương trình, xây dựng mục tiêu, thay đổi SGK…), mà còn giữ vai trò là "thợ cả”. 

    Nếu cả một bộ khung CBQL, cán bộ chủ chốt không thích ứng và thay đổi trong tiến trình đổi mới thì chắc chắn sẽ không thể mang tới sự đổi thay một cách triệt để.

    Bộ trưởng phân tích:Trường sư phạm cần đáp ứng được các yêu cầu của nhà trường phổ thông thời kỳ mới, lấy mục đích phục vụ tốt nhất, căn bản nhất cho công cuộc đổi mới nền giáo dục…

    Nếu chúng ta không duy trì được sức mạnh của đổi mới, hòa nhập mình vào công cuộc đổi mới (sẽ có không ít cái cũ phải loại bỏ, cái tốt được giữ lại, học hỏi và chắt lọc tinh hoa của thế giới), sẽ vô tình trở thành những mắt xích trì trệ, là lực cản của sự đổi mới và phát triển. 

     

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu các trường ĐH Sư phạm cần phải sớm có Hội đồng Hiệu trưởng các trường Sư phạm, hoạt động thật tốt, hợp tác với nhau để sớm xây dựng được những chương trình đào tạo tốt; Chủ động thay đổi trong nội tại của trường mình, hướng đến sự toàn diện, quyết liệt, bền vững.

    Anh Tú