• 26/03/2014 06:52 AM

    Kế thừa và phát triển những thành tựu để đổi mới giáo dục

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT

    Sáng ngày 25/3, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 1 tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trực tiếp truyền đạt Nghị quyết.

    Đổi mới nhưng phải kế thừa

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Đề án Đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT trước khi trình Trung ương Đảng đã trải qua quá trình thảo luận sâu rộng trong ngành Giáo dục cùng sự tham gia của đông đảo tầng lớp trong xã hội, cả trong nước và bạn bè quốc tế. Nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, ngành GD đã có rất nhiều kinh nghiệm phong phú trong việc hoàn thiện đề án.

    Nền Giáo dục cách mạng Việt Nam đã trải qua gần 70 năm với nhiều thành tựu lớn. Có thể khẳng định rằng thành tựu của giáo dục là một trong những thành tựu chủ yếu của Đảng, là một bông hoa đẹp đặc trưng cho chế độ XHCN.

    Nền Giáo dục cách mạng đã trải qua 3 lần cải cách và 1 lần đổi mới. Mỗi lần cải cách đều có những chiến lược, mục tiêu cụ thể và đều đạt được những thành quả nhất định.

    Hiện nay, nền giáo dục của chúng ta đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô giáo dục. Tại bậc học phổ thông, ngành GD đã phổ cập xong tiểu học và THCS. Trong phát triển GD bậc đại học, nhiều trường đại học được ra đời đã tạo điều kiện học tập cho đông đảo sinh viên. Số lượng học sinh, sinh viên, đội ngũ trí thức trẻ ngày càng tăng lên, đóng góp vai trò quan trọng của quá trình CNH - HĐH đất nước.

    Chất lượng GD cũng có những tiến bộ đáng kể. Trong những năm qua, kết quả đạt được của học sinh Việt Nam tại những kì thi HSG quốc tế rất cao và ổn định. Điều này chứng tỏ học sinh Việt Nam không thua kém so với học sinh các nước trên thế giới.

    Việc đánh giá học sinh qua các chương trình quốc tế như PISA và PASEC của Việt Nam đạt kết quả cao. Đó là một kết quả rất đáng khích lệ về giáo dục khi Việt Nam đang là một đất nước có thu nhập còn hạn chế so với các nước trên thế giới.

    Quan điểm chỉ đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới giáo dục lần này là vừa kế thừa, vừa phát triển, hiện thực hóa. Chúng ta đổi mới không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn quá khứ. Tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của ông cha ta đã có từ ngàn đời và nhiều tư tưởng vẫn còn nguyên giá trị.

    Không có nền giáo dục cách mạng, chúng ta không thể có những thế hệ con người như ở Việt Nam hiện nay. Nền giáo dục cách mạng đã tạo cho Việt Nam một nền tảng con người vững chắc, sẵn sàng để hội nhập quốc tế - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

    Nhiều khó khăn nhưng sẽ thành công!

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn nêu ra những hạn chế bất cập của nền giáo dục Việt Nam đang gặp phải như học sinh, sinh viên còn học thụ động, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn yếu kém…

    Những thành tựu chúng ta đạt được là đáng khích lệ, có tiến bộ so với trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và sự phát triển.

    Bộ trưởng nhấn mạnh: Yếu tố quyết định đến nhân tố quan trọng của công cuộc đổi mới lần này là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Chúng ta đang trong tình trạng bằng cấp nhiều nhưng lại thiếu người có năng lực làm việc thật sự, bằng thật nhưng học giả. Chất lượng giáo dục có được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

    Đổi mới giáo dục là cần thiết để hội nhập quốc tế, để theo kịp các nước phát triển. Khác với những lần cải cách trước, công cuộc đổi mới lần này có sự thay đổi một cách căn bản và toàn diện.

    Đổi mới toàn diện là toàn bộ, tất cả các chủ thể, yếu tố của quá trình giáo dục, gồm cả thầy trò, cán bộ quản lý giáo dục lẫn mục tiêu, chương trình, nội dung sách giáo khoa, thi cử, đánh giá… 

    Các chủ thể khác tham gia và quá trình giáo dục cũng phải thay đổi như cha mẹ phải thay đổi về nhận thức, về chương trình, cách học; xã hội cũng phải nhìn giáo dục bằng một tư duy khác.

    Nền giáo dục sẽ thay đổi, chuyển từ nền GD từ truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng việc hình thành năng lực phẩm chất của người học. 

    Sách giáo khoa sẽ được cải tiến, không thiết kế môn học dựa vào những môn khoa học cơ bản như trước nữa mà lựa chọn những kiến thức khoa học có trong đời sống để giảng dạy. Phải xác định được những kiến thức đó sẽ hình thành những kĩ năng gì, những phẩm chất gì cho người học.

    Vị trí và vai trò của người thầy phải thay đổi. Lên bậc học cao thì vai trò của người thầy là người hướng dẫn, cố vấn cho học sinh tự học, tự nghiên cứu. Việc truyền thụ kiến thức là một công cụ để hình thành nhân cách cho học sinh.

    Theo Bộ trưởng, việc thay đổi về nhận thức của nhiều người về đổi mới giáo dục sẽ là rất khó. Không dễ dàng gì để từ bỏ những gì đã được coi là máu thịt, là thói quen đã có từ nhiều năm nay để chuyển sang một cách nghĩ khác, một cách làm khác. Do đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để xã hội và nhân dân có thể hiểu được cách làm của ngành Giáo dục.

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví cuộc đổi mới lần này như một con tàu vừa dài, vừa nặng với hơn 20 triệu học sinh và thầy cô giáo cùng rất nhiều thành phần khác đi cùng như ông bà, bố mẹ học sinh. Đoàn tàu này đang đi với một vận tốc rất nhanh, không được giảm tốc độ, vừa đi vừa đổi hướng, vừa sửa chữa và vừa ổn định hành khách.

    Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhất định đoàn tàu đó sẽ đi đến đích bởi chúng ta có rất nhiều lợi thế như: Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội; Đảng và Nhà nước luôn có chính sách đầu tư cho giáo dục; Truyền thống hiếu học của nhân dân ta đã có từ hàng ngàn năm - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

    Theo báo GD&TĐ - Lan Anh