|
Quang cảnh buổi làm việc |
Dự buổi làm việc có GS.TS Đặng Kim Vui – GĐ Đại học Thái Nguyên cùng đông đảo lãnh đạo, giảng viên Trường ĐH Sư phạm.
Quyết liệt đào tạo lại giảng viên trường Sư phạm
Báo cáo tại buổi làm việc, Hiệu trưởng PGS.TS Phạm Hồng Quang - cho biết: Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đang chuyển từ mô hình đào tạo giáo viên dạy môn học cụ thể sang mô hình đào tạo chuyên gia giáo dục giỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn có học vấn nền tảng rộng và sâu, thành thạo về nghiệp vụ, có năng lực giảng dạy tích hợp và tổ chức các hoạt động giáo dục, năng lực phát triển chương trình và đánh giá, đáp ứng yêu cầu mới của chương trình giáo dục nhà trường sau năm 2015.
Nhà trường đang thực hiện 5 Đề án lớn của Đảng bộ đã đề ra trong giai đoạn 2010 - 2015 là điều kiện quan trọng để thực hiện các hoạt động đổi mới nhà trường sư phạm và tham gia đổi mới giáo dục phổ thông;
Nhằm tạo tiền đề quan trọng để đổi mới nhà trường và tham gia vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện của toàn ngành trong đó các trường sư phạm đi tiên phong, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã tổ chức quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đến toàn thể cán bộ, giảng viên để nâng cao nhận thức mới, đổi mới tư duy, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hành động của toàn thể của cán bộ, giảng viên và sinh viên về các chương trình hành động để đáp ứng yêu cầu đổi mới CT – SGK sau năm 2015 và các hoạt động đổi mới xuất phát từ thực tiễn của nhà trường.
Nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, tăng số lượng giảng viên/sinh viên. Thay đổi chương trình đào tạo sư phạm và bồi dưỡng giáo viên theo hướng phát triển năng lực người học, bám sát mục tiêu đổi mới CT – SGK sau năm 2015;
Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tích hợp, giảm mạnh những kiến thức ít gắn với thực tiễn nghề nghiệp, tăng khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm, tăng cường giờ thực hành và thực tế tại các trường phổ thông.
Đổi mới phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học của giảng viên trong trường sư phạm; Thay đổi mô hình phòng học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy;
Xây dựng chương trình bồi dưỡng giảng viên sư phạm, phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, hình thành mũi nhọn chuyên môn ở từng bộ môn; kiên định với mục tiêu: Bồi dưỡng, đào tạo lại giảng viên ĐHSP là nhiệm vụ phải làm quyết liệt trước khi triển khai công tác đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên phổ thông.
Cùng với các hoạt động trên đây, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã có các hoạt động tích cực tham gia đổi mới giáo dục phổ thông: Chủ động tham gia vào đề án đổi mới CT - SGK sau năm 2015.
Tổ chức triển khai thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường đối với trường thực hành sư phạm của Trường (THPT thực hành) từ năm học 2013 – 2014. Chủ động thiết lập quan hệ giữa trường sư phạm với các trường phổ thông trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.
Tại buổi làm việc, nhà trường cũng đã có những đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT, như: Có chính sách đặc biệt trong đào tạo, đào tạo lại giáo viên; chính sách ưu đãi dành cho các trường sư phạm có số lượng lớn sinh viên là người dân tộc thiểu số; ban hành cơ chế phối hợp giữa trường sư phạm với Sở GD&ĐT và các trường phổ thông trong đào tạo, đào tạo lại và sử dụng giáo viên...; thành lập tại Trường ĐH Sư phạm Đề án đào tạo lại giáo viên qua internet (E-learning) đáp ứng đổi mới CT – SGK sau năm 2015.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc
|
Từ đổi mới trường sư phạm đến đổi mới giáo dục phổ thông
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp thu ý kiến của tập thể giảng viên nhà trường để nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách với Đảng, Nhà nước đối với các trường sư phạm trong công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay đáp ứng công cuộc đổi mới GD&ĐT, trước mắt là yêu cầu đổi mới CT - SGK sau năm 2015.
Bộ trưởng đề nghị Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên phải tạo lập được tập thể sư phạm vững mạnh để có lòng tin vững chắc vào cơ chế chính sách, khắc phục những tồn tại, khó khăn trước mắt để phấn đấu, phát triển.
Đồng thời mong rằng tập thể nhà trường tiếp tục đạt được những thành tựu mới, đóng góp vào sự phát triển, công cuộc đổi mới ngành đang triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Các trường sư phạm hiện nay có sứ mạng tổ chức lại bộ máy, nhân sự, đổi mới tư duy khoa học giáo dục, về triết lý giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện trường sư phạm; Từ tầm nhìn đổi mới trong trường sư phạm mới mong thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
Trước mắt các trường phải tổ chức lại các hoạt động của khoa bộ môn, xây dựng các mô hình đào tạo đáp ứng dạy và học theo CT-SGK mới sau năm 2015.
Bộ trưởng phân tích: Hiện các trường sư phạm chưa bắt kịp thực tế giáo dục bậc học phổ thông; chậm thay đổi chương trình, cách thức giảng dạy, tư duy đào tạo, đào tạo lại giáo viên...
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên và các trường sư phạm khác trên cả nước nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề này để thay đổi nhận thức, tư duy khoa học giáo dục tiến tới triển khai thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29 – NQ/T.Ư trong các ngành sư phạm.
Về cách tháo gỡ những tồn tại vướng mắc trong công tác thực tập sư phạm của các giáo sinh, Bộ trưởng yêu cầu nhà trường chủ động tìm cách thay đổi những cách làm theo hướng cả giáo sinh và địa phương, nhà trường cùng hưởng lợi từ Quy chế này.
Vấn đề cuối cùng là trường sư phạm phải đổi mới căn bản trong xây dựng quy chế thực tập; công cuộc đổi mới là cơ hội vàng để các trường sư phạm gắn với thực tiễn giáo dục phổ thông, đổi mới quy chế thực tập sư phạm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trao đổi cụ thể những vấn đề mà CB - GV nhà trường đặt ra tại buổi làm việc về cơ chế thu hút học sinh chất lượng vào các trường sư phạm; công tác đào tạo và đào tạo lại giáo viên; cách tiếp cận trong đầu tư, sử dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất, CNTT trong đào tạo; nguồn lực, cách thức triển khai Đề án đổi mới CT - SGK sau năm 2015.
Theo báo GD&TĐ - Bá Hải