• 30/04/2014 07:11 PM

    Đổi mới chương trình và SGK là cần thiết

     Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Tư (chiều 29/4) khi trả lời các vấn đề liên quan đến vấn đề Đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

     Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (thứ hai từ phải qua) tại cuộc họp báo 

    Triết lý giáo dục Việt Nam đã được soi sáng trong minh triết về giáo dục của Bác Hồ và đã được đề cập nhiều lần trong các văn kiện của Đảng. Gần đây nhất, triết lý giáo dục được thể hiện trong Nghị quyết 29 của Trung ương, chứa đựng truyền thống, tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục, cũng thể hiện cả những vấn đề cập nhật hiện nay. 

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

    Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Nghị quyết 29 khẳng định giáo dục Việt Nam phải chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng hình thành phát triển kĩ năng, năng lực và phẩm chất của người học. 

    Để làm được việc này, người thầy phải thay đổi, trò phải thay đổi, cán bộ quản lí thay đổi, chương trình phải thay đổi, SGK phải thay đổi, cách dạy – cách học – cách thi cử đều phải thay đổi.

    Nghị quyết 29 cũng chỉ rõ việc thay đổi như thế nào. Ví dụ như hiện việc thiết kế các môn học về đại thể theo kiểu có môn khoa học nào thì nhà trường có môn dạy ấy; kéo theo chương trình là những vòng tròn đồng tâm, bậc đại học vòng tròn to, bậc tiểu học vòng tròn nhỏ, dẫn đến sự trùng lặp, quá tải.

    Bởi vậy phải thay đổi để thiết kế khối lượng kiến thức nhằm vào hình thành các năng lực, phẩm chất của học sinh theo hướng tích hợp cao các môn học và chương trình học ở cấp dưới, lớp dưới; phân hóa và tự chọn mạnh và sâu ở bậc học, lớp học trên.

    Muốn thực hiện được Nghị quyết 29 không có cách nào khác là phải thay đổi chương trình và SGK. Nghị quyết của Đảng đã nói rõ, để thay đổi căn bản việc dạy việc học, thi cử, thì phải thay đổi chương trình và SGK – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

    Lùi thời gian để đáp ứng những yêu cầu của Quốc hội

    Liên quan đến quy trình đổi mới chương trình – SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. 

    Toàn bộ nội dung chuẩn bị tương tự như việc chuẩn bị cho Quốc hội khóa X ra Nghị quyết 40 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

    Sau khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 14/4/2014, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội có ý kiến cần phải hoàn thiện hồ sơ trình, trong đó có việc phải bổ sung nội dung kinh phí thực hiện và một số nội dung khác. Bộ GD&ĐT chấp hành ý kiến trên và cần có thời gian để bổ sung tiếp vào nội dung của Đề án.

    Vì các lý do nêu trên, sau khi báo cáo và được sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi sang Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xin rút nội dung thảo luận về Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ sáu. Đồng thời, Chính phủ sẽ có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo chính thức về vấn đề này.

    Bộ GD&ĐT sẽ khẩn trương xây dựng Hồ sơ chi tiết, bao gồm cả nội dung về dự kiến kinh phí và lộ trình thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo đúng quy định – Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận nhấn mạnh.

    Không hề có con số nào về kinh phí trong Tờ trình và các hồ sơ liên quan

    Liên quan đến kinh phí cho Đề án đổi mới chương trình – SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Trong Tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính  phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số nào về kinh phí. 

    Số tiền hơn 34.000 tỷ đồng được nhắc trên các phương tiện truyền thông là con số được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau. 

    Trong đó, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn chương trình, sách giáo khoa mà còn bao gồm việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên, cấu trúc lại hệ thống đào tạo sư phạm, trang bị lại những trang thiết bị phục vụ dạy và học cùng nhiều công việc khác.

    Theo Bộ trưởng, trong quá trình nghiên cứu Đề án đổi mới GD - ĐT trình Trung ương, mỗi nội dung đều phải có khái toán về kinh phí để từ đó có những cân đối, điều chỉnh. Bởi nếu đưa ra giải pháp hay nhưng đòi hỏi thực hiện nhiều tiền quá, trong khi thực tế ta không có tiền để làm thì không khả thi.

    Đó là những con số khái toán của các nhà nghiên cứu khi đề xuất nghiên cứu những nội dung khác nhau của vấn đề đổi mới giáo dục.  

    "Đây là một sơ suất của những người lập đề án - làm giáo dục nhưng phải nói về vấn đề kinh tế. Cho tới thời điểm này, chúng tôi chưa trình bất cứ con số nào về kinh phí và chúng tôi đang bắt đầu làm” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn chia sẻ.

    Theo báo GD&TĐ - Anh Đức – Đông Phương