• 31/05/2014 08:00 AM

    Triển khai Đề án về học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng

     Triển khai Đề án về học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng

     

    Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” là một trong bảy Đề án thành phần của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

    Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

    Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án, Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó cần nêu rõ mục tiêu cho từng giai đoạn, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Thời gian hoàn thành trước tháng 7 năm 2014.

    Chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo của địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng tại các địa bàn dân cư về mục đích, ý nghĩa của học tập suốt đời; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên trong gia đình, dòng họ (đặc biệt là với người lớn tuổi) tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

    Chỉ đạo việc bố trí kinh phí ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện các nội dung hoạt động trong kế hoạch đã đề ra; đồng thời có biện pháp tích cực huy động sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện Đề án tại địa phương;

    Thực hiện lồng ghép với các đề án, dự án, chương trình mục tiêu đã và đang triển khai trên địa bàn để huy động tối đa nguồn lực của địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án này.

    Hằng năm, các tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập (qua Hội Khuyến học Việt Nam) trước ngày 15/12 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị liên hệ về Hội Khuyến học Việt Nam (qua Ban Phong trào) và Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục thường xuyên) để phối hợp giải quyết.

    Theo báo GD&TĐ - Lập Phương