• 11/06/2014 07:56 PM

    Trái tim hồng niềm tin với những đổi mới giáo dục

    Trái tim hồng niềm tin với những đổi mới giáo dục

    Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều quyết sách quan trọng trong sự nghiệp GD - ĐT. Những bước đi đổi mới đã và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các chuyên gia, của cử tri trong và ngoài ngành Giáo dục.
     

    Triết lý giáo dục trong Nghị quyết T.Ư 

     PGS Đặng Quốc Bảo: Chê bai ngành Giáo dục là không có trái tim. Bởi nhìn một cách tổng hòa, đất nước có được sự ổn định và phát triển như ngày hôm nay là nhờ vào giáo dục, nhờ công lao của các thế hệ thầy và trò.

    Là một người theo sát từng bước đi của ngành Giáo dục, PGS.TS Đặng Quốc Bảo đánh giá cao những đổi mới của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua. 

    Trong đó phải kể đến Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT và Dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa. 

    PGS Đặng Quốc Bảo khẳng định: “Chưa lần nào lại có một văn bản toàn vẹn và hoàn chỉnh như Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT như lần này.

    Nhiều người cho rằng, giáo dục chưa có triết lý. Điều đó hoàn toàn chưa đúng và nhìn nhận một cách phiến diện. 

    Tôi đặc biệt ấn tượng sâu sắc với câu nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Triết lý giáo dục nằm trong Nghị quyết 29 – NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

    Lý giải cho nhận định trên, PGS TS Đặng Quốc Bảo phân tích: “Triết lý giáo dục trong Nghị quyết 29 nằm ở bốn điểm nhấn sau: 

    Thứ nhất: Nghị quyết đã nêu lên được phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận và phát huy năng lực của học sinh. 

    Thứ hai: Ngành Giáo dục đã đổi mới quản lý nhà trường theo hướng quản trị. Tức là đánh giá được kết quả đào tạo, nắm bắt được quy luật cung cầu theo quy luật của thị trường lao động. Đây chính là một triết lý mà từ trước đến nay chúng ta chưa từng có. 

    Thứ ba: Triết lý giáo dục nằm ở chỗ Ngành Giáo dục đã chuyển hướng từ phát triển quy mô số lượng sang chất lượng và tạo nên một nền văn hóa chất lượng. 

    Thứ tư: Ngành Giáo dục đang tiến tới một nền giáo dục mở và xây dựng một xã hội học tập.

    "Như vậy, rõ ràng 4 điểm nhấn nêu trên chính là một thành quả của lý luận triết lý tư duy từ thực tiễn khách quan sinh động" - PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

    Niềm vui tới lớp 

    Câu chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ 

    Theo sát từng bước đi, quan tâm những đường hướng mới của toàn ngành, các thầy cô giáo, các nhà quản lý, chuyên gia đều đồng lòng với những quyết sách từ Bộ GD&ĐT. 

    Con đường đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thực tế đang diễn ra lại vô cùng đa dạng, phong phú, vậy nên rất cần sự linh hoạt điều chỉnh, như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quán triệt: Làm thế nào để con tàu giáo dục vào khúc cua nhưng không gây sốc cho các hành khách giáo viên, học sinh, phụ huynh ở trên đó.

    PGS Đặng Quốc Bảo dí dỏm ví von: Mọi người hẳn còn nhớ câu chuyện kéo pháo vào, rồi lại kéo pháo ra trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ở đây ai cũng nhận thấy, kéo pháo ra không phải là không đánh mà chính là để đánh!

    "Thế nên theo tôi, đừng nên nghĩ không nêu Dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa trong kỳ họp lần này là không tiến hành thực hiện mà Bộ GD&ĐT đang thực hiện một cách thận trọng hơn, chỉn chu hơn và chuyên nghiệp hơn" - PGS Bảo chia sẻ.

    Hay như cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương – Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), vừa là một cử tri, vừa là một nhà giáo, cô bày tỏ sự phấn khởi của mình và các đồng nghiệp, luôn theo sát, ủng hộ những chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT, sẵn sàng làm theo chỉ đạo, theo lời hiệu triệu đổi mới từ cơ quan quản lý, bởi người hưởng lợi trực tiếp không ai khác chính là những giáo viên như cô và các em học sinh, là thế hệ con cháu của cô Hiền sau này.

    Cùng chung quan điểm trên, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) đặt niềm tin trọn vẹn vào sự thành công trong công cuộc đổi mới của ngành Giáo dục lần này. "Đây có thể coi là một bước đột phá, một cuộc cách mạng trong Giáo dục" - Cô Hiền khẳng định.

    Sinh viên Khoa Điện tử Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM trong giờ thực hành. 

    Cùng chung tay đổi mới

    Xuất phát từ thực tiễn khách quan, hầu hết các chuyên gia, những người trong và ngoài ngành giáo dục đều mong muốn cử tri cả nước và Quốc hội sẽ ủng hộ Bộ GD&ĐT trong “trận đánh lớn này”.

    Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Đặng Quốc Bảo thẳng thắn nhìn nhận: Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng rõ ràng nhìn thẳng vào thực tế hiện nay cho thấy, nền giáo dục của chúng ta đang phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, vừa chính trị, kinh tế, vừa văn hóa, xã hội...

    Với tư cách là một cử tri, tôi rất mong Quốc hội hết sức ủng hộ ngành Giáo dục, sát cánh với ngành Giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

    Đây cũng chính là mong muốn của cô giáo Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Thị Lan Hương cùng bao giáo viên, các cán bộ quản lý giáo dục, học sinh trên toàn quốc. 

    Hơn lúc nào hết, sự đồng lòng, chung tay - Những trái tim hồng sự chia sẻ và niềm tin với những đổi mới của ngành Giáo dục sẽ tiếp thêm sức mạnh để ngành Giáo dục vượt qua khó khăn, phát huy những thế mạnh sẵn có, nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

    Minh Phong