• 05/12/2014 04:14 PM

    Giáo viên - nhân tố quan trọng triển khai chương trình, SGK mới

     Giáo viên - nhân tố quan trọng triển khai chương trình, SGK mới

     

    Triển khai Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, theo nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT, yếu tố quan trọng nhất chính là đội ngũ.

    Ông Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang: Việc cần làm đầu tiên là lên kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ

     Ông Nguyễn Hồng Oanh

    Để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, tôi cho rằng, điều quan trọng đầu tiên chính là yếu tố đội ngũ.

    Từ trước đến giờ, chúng ta đào tạo giáo viên theo cách dạy từng môn học riêng lẻ. Nhưng chương trình mới sẽ có những môn học tích hợp; bởi vậy, giáo viên phải được đào tạo, đào tạo lại để thích ứng với điều này.

    Do đó, kế hoạch đào tạo lại đội ngũ phải được nhanh chóng thực hiện, Bộ GD&ĐT phải lên kế hoạch đầu tiên là đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Về việc này, Bộ cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các trường sư phạm.

    Trong đó có việc tổ chức được các lớp tập huấn đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay đang giảng dạy trong nhà trường phổ thông, giúp họ đáp ứng được với chương trình mới.

    Về phía Sở GD&ĐT Tiền Giang, trong thời gian qua, trong những cuộc họp về công tác đội ngũ, chúng tôi đã thông báo tinh thần mới như trên và đề nghị toàn bộ đội ngũ giáo viên của mình phải tiếp cận được với những định hướng mới của Bộ GD&ĐT và có ý thức tự bồi dưỡng. 

    Sau khi có kế hoạch của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ khẩn trương, nghiêm túc tiến hành bồi dưỡng nhằm có được đội ngũ đủ năng lực thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

    Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Nâng cao chất lượng đội ngũ là giải pháp đột phá

    Ngày 28/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Đề án của Chính phủ.

     

    Cùng công tác đội ngũ, ngành Giáo dục Bến Tre đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ yêu cầu đổi mới và tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục.

     

    Nghị quyết của Quốc hội cũng đã đề ra những định hướng nguyên tắc cho việc triển khai Đề án chương trình, sách giáo khoa mới trong thời gian tới.

    Đây là cơ sở pháp lý thuận lợi để Chính phủ chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; chuyển từ chủ yếu là dạy chữ sang kết hợp giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

    Trước mắt, Sở GD&ĐT Bến Tre chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động, tích cực thực hiện tốt các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, tích cực, gắn kiến thức với thực tiễn, phân hóa để phát triển năng lực cho học sinh.

    Bên cạnh đó, kịp thời triển khai thực hiện khi Bộ GD&ĐT có chủ trương đổi mới phương thức thi công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; chủ động đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.

    Ngành GD&ĐT Bến Tre cũng sẽ tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, nội dung giáo dục ở các cấp, bậc học từ năm 2018 với những giải pháp trọng tâm sau:

    Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, được xem là giải pháp đột phá, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

    Cụ thể, thực hiện việc rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành GD&ĐT để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp và đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng bảo đảm chuẩn, chất của cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên theo hướng đủ số lượng, đạt chuẩn, đồng bộ về cơ cấu.

    Tiếp tục bồi dưỡng nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên các cấp học, tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đạt trình độ từ đại học trở lên.

    Bồi dưỡng về năng lực sư phạm cho giáo viên để có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới theo phương pháp dạy học tích cực, tích hợp, phân hóa và đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá để hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh.

    Tập trung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục năng lực quản lý tự chủ, quản lý đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng hình thành năng lực và phẩm chất người học; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đương chức và dự bị, dự nguồn về lý luận chính trị, nghiệp vụ quản lý giáo dục.

    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục, qua đó giúp phát huy những mặt tích cực trong quản lý và dạy học; kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những mặt hạn chế, góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục.

    Theo báo GD&TĐ - Hiếu Nguyễn