• 01/01/2015 07:32 PM

    10 sự kiện giáo dục - đào tạo nổi bật năm 2014

     Đây là những thành tựu trong năm qua thể hiện sự nỗ lực của ngành Giáo  dục cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước tới sự nghiệp giáo dục. 

    • 1. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông
     

    Nghị quyết nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện, hài hoà Đức, Trí, Thể, Mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

    2. Đồng bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

    Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 764/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 về thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 về kế hoạch hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ. 

    Quá trình đổi mới giáo dục đã thu hút sự quan tâm và đóng góp tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

    3. Các chính sách phát triển GD&ĐT tiếp tục được ban hành

    Được thực hành tại các phòng học chức năng với đầy đủ trang thiết bị, học sinh Trường Phổ thông DTNT Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) hiểu bài nhanh hơn, nắm vững kiến thức hơn. Ảnh: TTXVN

    Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (thay thế Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001). 

    Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020.

    Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

    4. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH – CĐ hệ chính quy năm 2014 theo hướng đổi mới

    Kỳ thi tác động tích cực đến việc thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao. 

    Thành công của kỳ thi này đã tạo tiền đề cho Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2015 để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW với mục tiêu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.

    5. Tổ chức thành công Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 (IChO 2014) tại Việt Nam 

    IChO tổ chức tại Việt Nam được đánh giá là kì thi thành công và tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế. (Ảnh: Mai Châm)

    Cuộc thi thu hút 77 nước và vùng lãnh thổ tham gia, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, mang lại niềm tin tưởng, sự quý mến của cộng đồng Hóa học và bạn bè quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam.

    Kết quả của các đội tuyển học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa năm 2014 giữ vững được tỷ lệ 100% thí sinh đoạt giải của 2 năm gần đây và có sự tiến bộ vượt bậc về số lượng và chất lượng huy chương với 12 Huy chương Vàng, 21 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 1 bằng khen. 

    Ngoài ra, Việt Nam đã tham dự triển lãm sáng chế quốc tế dành cho thanh, thiếu niên 2014 (IYIE) tổ chức tại Đài Loan và đoạt 1 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng; tại hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế Intel ISEF năm 2014 đoạt 2 giải Tư; 

    Kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) tại Indonesia đã giành 3 huy chương Bạc và 7 huy chương Đồng; Olympic khoa học trẻ quốc tế (IJSO) lần thứ 11 tại Argentina đã giành 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng - Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam trong các lần tham dự.

    6. Công bố trang mạng giáo dục "Trường học kết nối" từ năm học 2014 - 2015

    Các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel ấn nút khai trương trang mạng giáo dục “Trường học liên kết”.

    Trang mạng nhằm tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các trường phổ thông với sự tham gia hướng dẫn của các giảng viên đại học, các nhà khoa học giáo dục; tạo môi trường chia sẻ, thảo luận, hỗ trợ lẫn nhau giữa cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên phạm vi toàn quốc; tổ chức các hoạt động học tập và hỗ trợ hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh trên mạng. 

    Công bố chuyên mục “Cùng em đến trường” phát sóng hàng tuần trên Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2020 với mục đích nêu bật những tấm gương thầy, cô giáo vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    7. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học

    Chủ trương trên theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 ban hành Điều lệ trường đại học, Thông tư số 45/2014/TT-BGDĐT ngày 17/12/2014 quy định về việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục nhằm tạo động lực cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững, góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

    8. Lần đầu tiên, Việt Nam có ba cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng ở châu Á năm 2014

    Theo Bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symond), bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 161 - 170, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm 191 - 200 và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251 - 300.  

    9. Lễ kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2014) trang trọng, đầm ấm

     

    Buổi họp mặt Kỷ niệm 60 năm trường HS miền Nam trên đất Bắc. 

     

    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu tại buổi lễ, khẳng định đây là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng. 

    Sự thành công của trường học này trong việc đào tạo lớp người vừa hồng, vừa chuyên gắn bó với vận mệnh của đất nước là thành tựu to lớn, khẳng định tính ưu việt của nền giáo dục. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là biểu hiện đẹp đẽ của tình cảm Bắc - Nam ruột thịt.

    10. Nhân rộng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)

    Một tiết học VNEN 

    Từ 1.447 trường lên 2.058 trường tiểu học trên toàn quốc và mở rộng triển khai tại 24 trường trung học cơ sở thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Kon Tum. 

    Trên cơ sở thành công của mô hình VNEN, công tác đánh giá học sinh tiểu học được đổi mới theo tinh thần tất cả học sinh đều có quyền được học và học được, đều có tiềm năng riêng cần được giáo dục để phát triển tốt nhất (Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014).

    Theo Báo Giáo dục và Thời đại