Có không ít dư luận cho rằng, với Mô hình Trường học mới, giáo viên (GV) “buông” ra cho HS tự học, kiến thức không được khắc sâu…
Thế nhưng, nét khác biệt cơ bản của Trường học mới so với mô hình truyền thống trước đây là GV hướng dẫn cho HS cách tự học. “GV tổ chức cho HS tự học thì sẽ khác so với việc “thả cho HS tự bơi” trong các tiết học như nhiều người e ngại.
Ngoài hoạt động cá nhân, còn có các hoạt động theo nhóm nhỏ, hoạt động cả lớp… Với Mô hình Trường học mới, hoạt động học của HS được coi là trung tâm của quá trình dạy học, GV có vai trò hướng dẫn..” - ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết.
Trường học… “mở”
Phụ huynh Trường THCS Ngô Văn Sở (TP Lào Cai) không khỏi bất ngờ khi nhận được lời mời của cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Xuân đến dự hoạt động hình thành kiến thức của HS tại trường. “Chính bằng sự hoạt bát, nhanh nhẹn, sự tự tin của HS trong giờ học đã là bằng chứng tốt nhất, có sức thuyết phục phụ huynh học sinh về hiệu quả của Mô hình Trường học mới” - cô Xuân cho biết. Năm học 2015 - 2016 này là năm đầu tiên Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh (Nghệ An) triển khai thí điểm Mô hình Trường học mới.
Ngoài chuẩn bị tốt về đội ngũ, CSVC, BGH nhà trường còn đẩy mạnh công tác truyền thông để phụ huynh nắm được “tinh thần mới” của mô hình. Và theo như thầy Hiệu trưởng là “điều này có kết quả rõ rệt, phụ huynh chúng tôi không quá băn khoăn, thắc mắc gì nhiều”. Thậm chí, có những phụ huynh có nguyện vọng muốn cho con theo học theo Mô hình Trường học mới, dù trước đó, ở tiểu học, con em họ học chương trình cũ bởi như phụ huynh giải thích là “muốn con được nhanh nhẹn, chủ động, không rụt rè…”.
Dù có kế hoạch chỉ thí điểm 1/2 khối lớp 6, nhưng sau đó, Trường THCS Phan Bội Châu (Cà Mau) triển khai cho toàn bộ khối lớp 6. “Sau hơn một tháng triển khai, chúng tôi nhận thấy rằng, mục tiêu, kiến thức không thay đổi so với chương trình cũ, chỉ là thay đổi phương pháp tổ chức dạy - học. Cách thức tổ chức của mô hình, đặc biệt là phương pháp dạy - học rất thuận lợi cho HS”.
Cùng với GV và HS thì gia đình/cộng đồng là một trong 3 chủ thể trụ cột của Mô hình Trường học mới, luôn luôn gắn kết và tương tác hai chiều với nhau.
Ngoài việc tổ chức giới thiệu cho cha mẹ học sinh hiểu rõ các đặc trưng chủ yếu của mô hình, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Vũ Đình Chuẩn thì một số trường học còn tổ chức cho phụ huynh tham gia trang trí lớp học, dự giờ hoặc tham gia hoạt động với HS trong lớp, để hiểu và phối hợp với nhà trường hỗ trợ học sinh học tập tại trường và ở nhà.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cũng lưu ý rằng, ở phần hoạt động ứng dụng, không phải chỉ nhất nhất là HS sẽ hỏi bố mẹ về các kiến thức đã học ở lớp, mà còn là cách HS vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào các tình huống cụ thể ở nhà, trong cộng đồng,
Cần phân biệt học nhóm và tổ chức học theo nhóm
Tại Hội thảo - Tập huấn Nâng cao năng lực quán lý hoạt động dạy học, giáo dục trong trường THCS theo Mô hình Trường học mới, do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, ý kiến của ông Đặng Tự Ân - Chuyên gia trưởng Dự án Mô hình Trường học mới tại Việt Nam về quan điểm tổ chức học nhóm là rất đáng lưu tâm: “Học nhóm ở Mô hình Trường học mới không phải là các thành viên trong nhóm cùng nhau làm việc, thảo luận rồi nhóm trưởng báo cáo kết quả trước lớp. Đó là học nhóm theo cách truyền thống mà từ trước đến nay chúng ta đã áp dụng. Với Mô hình Trường học mới, học nhóm là hỗ trợ, phát triển kỹ năng tự học và tự quản của HS. Để đạt mục tiêu chung của bài học thì sẽ có nhiều mục tiêu thành phần và phải hoàn thành mục tiêu thành phần. Và trước khi có thể học theo nhóm, mỗi HS sẽ phải học cá nhân, hoàn thành mục tiêu thành phần, nếu có điều gì chưa hiểu thì nhờ nhóm hoặc GV giúp đỡ; việc học theo nhóm là để hoàn thiện các mục tiêu khác”.
Theo đó, GV phải dành đủ thời gian cần thiết cho HS nghiên cứu cá nhân rồi mới chuyển sang trao đổi nhóm. Cũng liên quan đến việc tổ chức học theo nhóm, các chuyên gia cho rằng, GV có thể linh hoạt sử dụng các câu lệnh để tổ chức hoạt động chung của cả lớp trong trường hợp có nhiều ý kiến thắc mắc rằng nếu trong cùng một thời điểm, những HS học yếu nằm rải rác ở các nhóm đều cùng muốn GV trợ giúp, hoặc 2 - 3 nhóm cùng muốn báo cáo kết quả.
Với tính chất “mở” nên trong 5 hoạt động cơ bản của hoạt động giáo dục, gồm hoạt động khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng thì 3 hoạt động khởi động, vận dụng và tìm tòi kiến thức, GV có thể thay đổi từ 1 - 100% so với tài liệu hướng dẫn của môn học. Chẳng hạn như ở các tỉnh Tây Bắc, HS có thể tìm hiểu cách thức ứng phó với lũ ống nhưng với HS ở đồng bằng sông Cửu Long thì lũ ống là điều hoàn toàn xa lạ.
“Chỉ riêng hoạt động hình thành kiến thức và luyện tập là giống với chương trình phổ thông hiện hành, không có gì thay đổi về mặt mục tiêu” - ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh.
Thế nên, nhà trường và phụ huynh không nên lo lắng rằng với Trường học mới, con em chúng ta không thể dự thi HS giỏi các cấp hoặc thi vào lớp 10 như trước đây: “Chúng tôi khẳng định, với Trường học mới, HS chỉ có thể tốt hơn mô hình truyền thống, vì các em được trang bị phương pháp và khả năng tự học, tư duy độc lập, có cơ hội trong việc phát triển năng lực toàn diện”.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, chính vì chương trình của Mô hình Trường học mới không đưa vào các nội dung kiến thức mới so với chương trình hiện hành nên các trường học hoàn toàn có thể sử dụng thiết bị - đồ dùng dạy học hiện có. Ngoài ra, GV có thể tham khảo thêm những thí nghiệm ảo cùng những tài nguyên dạy học khác trên Trường học kết nối, GV cùng phụ huynh làm thêm đồ dùng dạy học phù hợp với đặc thù của địa phương để sử dụng thêm.