Giáo viên bộ môn đóng vai trò rất quan trọng trong tiết học ở một lớp học cụ thể. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức ở bộ môn mình tại lớp học đó, giáo viên bộ môn còn có nhiệm vụ quản lý sĩ số, uốn nắn ý thức của học sinh trong tiết học, tham mưu, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục và quản lý học sinh.
|
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, đa số giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên có kinh nghiệm đã và đang thực hiện rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong tiết học, nắm bắt và theo dõi sát sao tình hình học tập và ý thức của học sinh trong tiết học, phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm trong lớp.
Hiện nay, tình trạng giáo viên bộ môn chưa làm tốt vai trò của mình trong tiết học diễn ra phổ biến. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc quản lý học sinh trong lớp học, phong trào thi đua của lớp bị ảnh hưởng, chất lượng học tập của học sinh trong lớp không được đảm bảo.
Với tư cách là một giáo viên dạy bộ môn nên không ít giáo viên quan niệm chỉ dạy kiến thức cho hoàn thành nhiệm vụ còn việc quản lý học sinh, theo dõi ý thức và đạo đức của học sinh là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm. Chính vì vậy, trong tiến trình của tiết học sẽ dẫn đến xảy ra nhiều hiện tượng liên quan đến học sinh mà trách nhiệm để xảy ra những vấn đề đó thuộc về việc thực hiện vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Hiện tượng một bộ phận học sinh lơ là trong tiết học, không chú ý theo dõi bài học, không chép bài đến hàng chục tiết học mà giáo viên bộ môn vẫn không ý kiến gì. Rồi hiện tượng học sinh bỏ giờ đi đánh điện tử hay chơi bời, học sinh nói chuyện riêng trong giờ diễn ra phổ biến.
Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể là do giáo viên bộ môn không phát hiện ra, chỉ chăm chú vào bài học còn không bao quát lớp học, không biết học sinh có chép bài hay không, học sinh nghỉ vì lý do gì, học sinh nào lơ là trong giờ học. Cũng có trường hợp giáo viên bộ môn phát hiện việc học sinh vi phạm trong giờ nhưng không nhắc nhở và cũng không đưa ra biện pháp xử lý, chấn chỉnh học sinh. Và có những cách sát phạt học sinh như phạt đứng xó, đuổi học sinh ra ngoài, bắt học sinh chép hàng trăm lần bài học sinh không chép hay ghi sổ đầu bài, đánh giá giờ học yếu và trung bình. Có những học sinh cả tuần bị giáo viên bộ môn ghi sổ đầu bài nhưng học sinh đó vẫn không tiến bộ, không chuyển biến gì. Điều đó cho thấy biện pháp của giáo viên bộ môn đối với học sinh cá biệt là chưa hiệu quả, chưa tỏ rõ sự thân thiện, tích cực trong giờ học.
Không những thế, giáo viên bộ môn còn không chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của học sinh trong lớp ở bộ môn mình, đổ lỗi tất cả cho giáo viên chủ nhiệm. Tình trạng giáo viên bộ môn dạy xong tiết học xuống phòng chờ ca thán với giáo viên chủ nhiệm về học sinh này học sinh kia không phải là ít. Ca thán nhiều nhưng bản thân giáo viên bộ môn đó chưa thực sự có biện pháp hữu hiệu đối với học sinh trong giờ học của mình.
Từ tình trạng trên, thiết nghĩ, mỗi nhà trường cần nhìn lại và xác định lại vai trò của giáo viên bộ môn trong tiết học. Mỗi giáo viên bộ môn cần xác định vai trò nhiệm vụ của mình trong quá trình giảng dạy tại lớp học. Trong đó, chú trọng đến việc quản lý, theo dõi và phát huy tính tích cực của học sinh tham gia học tập tiết học của bộ môn mình. Khi phát hiện học sinh vi phạm hay mắc lỗi cần nhắc nhở lần đầu, vô hiệu hóa việc học sinh mắc lỗi và sử dụng những biện pháp thật sự sư phạm đối với học sinh. Không nên coi việc sát phạt, ghi sổ đầu bài là biện pháp để giáo dục học sinh. Cần phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm trong việc nhắc nhở, rèn luyện học sinh trong tiết học. Đầu mỗi tiết học, cần nắm bắt sĩ số học sinh trong lớp học, nguyên nhân học sinh nghỉ học đồng thời quan sát, bao quát lớp học trong cả tiết học để kịp thời phát hiện ra học sinh có tư tưởng lơ là trong giờ học. Có như vậy, mỗi giáo viên bộ môn mới phát huy được vai trò của mình trong giờ học bộ môn.
Nguyễn Thế Lượng