Chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, không thuận tiện khi sử dụng trên smartphone... là những lí do khiến các phần mềm giáo dục chưa thể phát triển dù nhận được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều phụ huynh học sinh.
Trên AppStoreVN, ngoài các ứng dụng giáo dục cho trẻ em thu hút một lượng người sử dụng lớn, những ứng dụng mang tính giáo dục còn lại thường có số lượt tải khiêm tốn.
Chỉ có khoảng 5% ứng dụng dành cho giáo dục
Tại Hội nghị Quốc tế Mobile Việt Nam ngày 19/10, ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Lạc Việt cho biết, theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, vào năm 2015, tỉ lệ thuê bao băng rộng cố định là 6 - 8 thuê bao/100 dân (tăng lên ở mức 15 - 20 thuê bao/100 dân vào năm 2020) và băng rộng di động phải đạt 20 - 25 thuê bao/100 dân (đến 2020 tăng lên thành 35 - 40 thuê bao/100 dân), phủ sóng thông tin di động đến trên 90% dân số cả nước (sẽ tăng lên 95% dân số vào 2020), tổng doanh thu Viễn thông đạt từ 10 - 12 tỉ USD, chiếm 7 - 8% GDP (sẽ đạt 15-17 tỉ USD, chiếm 6 - 7% GDP vào năm 2020). Vì thế, nhu cầu về nội dung trên Internet và di động rất lớn.
Thống kê của Lạc Việt cho thấy, 70% nội dung ứng dụng hiện nay liên quan đến các yếu tố bạo lực hay tin nhắn, ảnh hot...; 20% nội dung liên quan đến âm nhạc, bao gồm nhạc nước ngoài (60%), nhạc cổ điển (10%) và 30% còn lại là nhạc không có nội dung cụ thể nhưng rất lôi cuốn giới trẻ. "Các nội dung về giáo dục chiếm số lượng rất thấp, khoảng 5% mà đa phần do nước ngoài cung cấp (70%). Với sự quan tâm của nhiều phụ huynh học sinh, thị trường nội dung giáo dục sẽ rất tiềm năng nếu chúng ta biết khai thác và định hướng giới trẻ", ông Hà Thân cho biết thêm.
Theo anh Nguyễn Duy Hiến, đại diện kho tải AppStoreVN, trên appstore.vn hiện có hơn 50.000 nội dung số được chia sẻ nhưng đa phần là game (58%), còn lại là các phần mềm giải trí, ứng dụng mạng xã hội. Ngoài các ứng dụng giáo dục cho trẻ em thu hút một lượng người sử dụng lớn, những ứng dụng mang tính giáo dục còn lại thường có số lượt tải khiêm tốn.
Không chỉ riêng ứng dụng của nước ngoài, nhiều sản phẩm của người Việt như "Video cho bé" của tác giả Đào Công Văn, "Tiếng Việt cho bé" của nhóm tác giả Divmob, "Baby teller" của tác giả Trần Việt Phương cũng đạt vài chục ngàn lượt tải. Có thể nói, trong thời đại mà smartphone, máy tính bảng rất phổ biến thì việc sử dụng các ứng dụng trên smartphone để dạy dỗ trẻ em đang trở thành xu thế "hot". "Tuy đầy tiềm năng nhưng mảng ứng dụng giáo dục đang bị bỏ ngỏ khi số lượng sản phẩm trên thị trường khá ít, đây là mảng thị trường tốt mà các nhà phát triển ứng dụng Việt có thể khai thác trong tương lai gần", anh Hiến khẳng định.
Lí do khiến ứng dụng giáo dục có số lượng ít hơn ứng dụng về giải trí là do nhu cầu giải trí thường hấp dẫn mọi người hơn. Bên cạnh đó, smartphone hay máy tính bảng, ngoài chức năng cơ bản (nghe, gọi, nhắn tin) thường được sử dụng cho mục đích giải trí của người dùng. "Màn hình nhỏ cũng là một trở ngại khiến người dùng ít khi sử dụng smartphone để học tập", anh Hiến nói.
Cũng theo ông Hà Thân, nguyên nhân chính khiến cho nội dung giáo dục "nghèo nàn" là các nhà phát triển hay chạy theo những ứng dụng cho ra tiền ngay như giải trí, game hơn là những lĩnh vực phải đầu tư lớn, lâu dài nhưng thu hồi vốn chậm; đồng thời phải thực hiện nghiêm túc chuyện bản quyền sở hữu trí tuệ như phần mềm giáo dục. Chính vì thế, quá trình phát triển của phần mềm giáo dục sẽ diễn ra một cách "khó nhọc" trong thời gian tới. "Mặc dù vậy, một số vụ kiện tụng hay rút banner vì website nhạc vi phạm bản quyền xảy ra gần đây cho thấy, các nội dung giải trí như nhạc, phim thời gian tới sẽ gặp trở ngại nếu tiếp tục bỏ qua vấn đề bản quyền", ông Hà Thân nhấn mạnh.
Những yếu tố nào sẽ làm "bùng nổ" phần mềm giáo dục?
Sự phổ biến của các thiết bị smartphone, máy tính bảng cấu hình cao trong khi mức giá ngày càng rẻ, nhất là lại được trợ giá từ chương trình giáo dục thuộc các dự án của chính phủ như ở Thái Lan hay Ấn Độ (giá một chiếc máy tính bảng chỉ 20 - 30 USD ) sẽ là cơ hội cho ứng dụng giáo dục phát triển. Mặc dù vậy để có thể "bùng nổ" ứng dụng giáo dục, phải có đủ 5 yếu tố sau: Con người - gồm những người làm nội dung số sáng tạo, có kĩ năng; Tổ chức; Công nghệ; Phương pháp thực hiện và nhất là yếu tố Chính sách quản lí của nhà nước để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. "Tuy nhiên, muốn hội tụ đủ 5 yếu tố đó phải mất rất nhiều thời gian và chỉ khi nào có một cuộc cách mạng cải cách nội dung giáo dục, phương pháp giảng dạy thì mới rút ngắn được con đường dẫn tới sự "bùng nổ" của phần mềm giáo dục", ông Hà Thân kết luận.
Còn anh Hiến cho rằng, để ứng dụng giáo dục phát triển được thì cần xác định những tập khách hàng cụ thể. Ví dụ: trẻ em, dân văn phòng... với từng sản phẩm cụ thể có nội dung và trải nghiệm phù hợp. Bởi vì, hiện nay có rất nhiều ứng dụng học tiếng Anh trên smartphone nhưng các phần mềm đều chung chung, không có những nét đặc thù riêng để người dùng dễ dàng lựa chọn.